Cần 'rót' ngân sách cho cả trường tư cung cấp dịch vụ công

16/12/2017 09:42 GMT+7

Cách thức tổ chức, vận hành ra sao để thực hiện được chủ trương nhiều bộ sách giáo khoa; làm thế nào để đảm bảo công bằng cho học sinh ở khu vực trường công lập và tư thục... là những vấn đề chuyên gia góp ý khi thảo luận nội dung sửa đổi của luật Giáo dục.

Sáng 15.12, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến các chuyên gia về dự thảo sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục.
Công bằng giữa học sinh trường công và tư
Tiến sĩ Nguyễn Hải Hữu, Phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội VN, cho rằng cần phải đưa vào luật Giáo dục những chính sách rõ ràng để đảm bảo công bằng với người học. “Chúng ta quan tâm tới nhà giáo khi dự kiến đề xuất lương giáo viên cao nhất trong hệ thống thang bảng lương, vậy tại sao chúng ta lại không đưa vào quy định đảm bảo công bằng cho người học, cho giáo viên ở trường công lập và tư thục. Cơ chế để đảm bảo công bằng giữa khu vực ngoài công lập với công lập phải rất rõ. Nếu không, người học ngoài công lập sẽ không được hưởng bất cứ chính sách gì của nhà nước”.
Còn tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, phân tích thêm: Dự thảo luật miễn học phí tới THCS ở trường công lập có thể hiểu nhà nước sẽ chi toàn bộ cho trường công lập, nhưng lại không đề cập đến trường tư. Thực chất hiện nay có 2 loại trường tư, một loại cung cấp dịch vụ công vì những công nhân, người nghèo nhưng họ vẫn phải gửi con vào học mầm non tư thục vì trường công không có chỗ chứ không phải họ lựa chọn. Loại trường tư này sẽ khác với trường tư với mức học phí rất cao và người dân sẵn sàng đóng góp tới 1 tỉ đồng/năm cho con học ở đó.
Cho sinh viên sư phạm vay thay vì miễn học phí
Theo GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, quy định hiện nay miễn học phí với sinh viên (SV) sư phạm nhưng nếu SV ra trường mà không làm công tác giảng dạy thì nhà nước sẽ thu học phí của SV đó. Tuy nhiên, nhà nước sẽ không thu được khoản này vì SV ra trường muốn đi dạy nhưng nhà nước không phân công, bố trí được cho họ chỗ dạy. Do vậy, có thể chuyển sang hình thức cho SV sư phạm vay tín dụng ưu đãi, ai ra trường làm trong ngành giáo dục một số năm thì miễn khoản vay nợ đó, ngược lại phải trả cả gốc lẫn lãi.
Do vậy, theo tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, có 2 điểm cần phải tính về mặt tài chính trong luật này: Một là chia đều ngân sách trên tổng số HS cho cả những trường tư cung cấp dịch vụ công như trường công lập và nhà nước sẽ can thiệp về mức học phí. Hai là với những trường tư cung cấp dịch vụ giáo dục cao thì nhà nước không cần phải đầu tư và học phí là thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh.
Nhiều câu hỏi lớn về nhiều bộ SGK chưa có giải đáp
Liên quan đến chủ trương nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) trong dự thảo luật, PGS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý giáo dục, có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo cho tất cả các tổ chức, cá nhân có đăng ký viết SGK; có trách nhiệm tổ chức thẩm định, phê duyệt và ban hành sử dụng SGK. Do vậy, để đảm bảo khách quan, Bộ không nên đứng ra tổ chức biên soạn, mà nên để NXB Giáo dục là đơn vị sự nghiệp đăng ký biên soạn một bộ SGK đúng với chức năng, nhiệm vụ của NXB (nếu thấy cần thiết).
PGS Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN, cho biết ông cũng thấy bất hợp lý khi Bộ đứng ra biên soạn sách, nhưng Bộ đã có giải pháp hợp lý giải tỏa băn khoăn đó bằng việc đã ủy nhiệm cho các NXB đăng ký và đấu thầu biên soạn SGK để đảm bảo công bằng với các tổ chức, cá nhân khác.
Mặc dù vậy, ông Trần Kiều cho rằng Bộ GD-ĐT phải làm rõ rất nhiều vấn đề phức tạp hiện nay liên quan đến việc cho phép nhiều bộ SGK mà chưa có giải đáp chính đáng. Chẳng hạn, chỉ tham gia viết một cuốn hoặc một số cuốn SGK được không; cách thức viết thế nào; sách có được thực nghiệm trước khi đưa vào sử dụng không, khi mà có nhiều bộ hoặc nhiều cuốn...
Bỏ kỳ thi quốc gia ra khỏi luật ?
Ông Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội), cho rằng luật nên giao địa phương tổ chức việc thi lấy chứng chỉ hết môn học cho HS. Mức độ yêu cầu của đề thi giữa các địa phương có thể khác nhau phụ thuộc trình độ thực tế HS ở địa phương đó là chuyện có thể chấp nhận được, miễn là kỳ thi diễn ra nghiêm túc. Bên cạnh đó, áp dụng hình thức HS thi lấy chứng chỉ quốc gia theo môn học. Tiến tới sự công nhận có tính quốc tế chứng chỉ quốc gia. HS có chứng chỉ quốc gia môn học nào thì được miễn thi tốt nghiệp môn đó ở địa phương. HS có thể dùng kết quả thi tốt nghiệp ở địa phương và chứng chỉ quốc gia để dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ và các trường nghề. Việc xét tuyển dựa vào kết quả môn thi tốt nghiệp hay chứng chỉ quốc gia là quyền của các trường.
Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng tiếp cận theo hướng thi cử để lấy văn bằng, chứng chỉ đã không còn phù hợp khi nói đến một nền giáo dục mở. Theo ông Tiến, cùng việc ban hành khung trình độ quốc gia, người học chỉ cần hoàn thành chương trình đào tạo, đạt yêu cầu về chuẩn đầu ra của bậc trình độ nào đó thì được cấp văn bằng tương ứng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.