Nhiều trường sẽ “biến” thành ĐH !
|
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: “Xu hướng thế giới như Pháp, Nhật gom các trường lớn, truyền thống lại với nhau thành hệ thống trường. Mô hình ĐH quốc gia (ĐHQG) như hiện nay nên tồn tại và có thể có những trường thành viên ở ngoài tỉnh, ví dụ như Trường ĐH An Giang, Trường ĐH Việt Đức...”.
Ông Nghĩa nói thêm: “Hệ thống cơ sở giáo dục ĐH nên có loại: ĐHQG, ĐH và trường. Ví dụ trường chuyên ngành đào tạo về ngành nghề nào đó, chẳng hạn như công nghệ thông tin. Tuy nhiên, có những trường lớn hiện nay có thể gọi là ĐH. Chẳng hạn ĐH Cần Thơ thay vì Trường ĐH Cần Thơ”.
Trong khi đó, GS Nguyễn Lộc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng thế giới có nhiều ĐHQG nhưng cấu trúc tên gọi không như VN. Chúng ta cần mạnh dạn thay đổi về cách gọi tên, nếu không người nước ngoài đọc không hiểu, vì ĐH ở trong trường ĐH.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết trong dự thảo sửa đổi thì ĐHQG vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên luật có “mở” hơn cho những trường ĐH rất lớn có thể từ trường ĐH thành ĐH. Ví dụ Trường ĐH Cần Thơ với các khoa lớn như một ĐH thì có thể gọi tên là ĐH Cần Thơ. Nhiều trường khác hoàn toàn có tiềm năng phát triển thành các ĐH.
tin liên quan
'Học phí ĐH sẽ rất đắt'Trên là nhận định của PGS-TS Hoàng Thị Thúy Nguyệt, Học viện Tài Chính, trong hội thảo lấy ý kiến các cơ sở giáo dục ĐH để góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH chiều 12.12.
Hiệu trưởng là thành viên hội đồng trường ?
Hội đồng trường trong các trường công lập cũng là vấn đề nóng. PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nói: “Khi tăng vai trò của hội đồng trường, chúng ta không muốn hội đồng trường sẽ trở thành “bộ chủ quản thu nhỏ” trong trường công lập vì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của ban giám hiệu. Bộ cần quan tâm vấn đề này trong luật sửa đổi”.
Tương tự, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM), cho rằng hiệu trưởng không nên là thành viên trong hội đồng trường vì đây là một cơ quan đối trọng với ban giám hiệu trong quản lý hoạt động trường. Cũng có ý kiến cho rằng đây là cơ quan quyền lực, không phải cơ quan thực hiện nên sự tham gia của sinh viên là không nên và không cần thiết.
tin liên quan
Phải thay đổi cơ chế cấp phát để trường công và tư bình đẳngTại tọa đàm đóng góp ý kiến sửa đổi các luật về giáo dục, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, phải thay đổi cơ chế cấp phát để bình đẳng trường công và trường tư.
Còn theo GS Nguyễn Lộc, nên mạnh dạn tăng tỷ trọng người ngoài nhà trường tham gia hội đồng trường để thúc đẩy tính tự chủ của trường.
Vai trò của hội đồng quản trị trong trường tư thục, theo PGS-TS Võ Khắc Thường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Phan Thiết, dự thảo luật quy định hiệu trưởng được quyền quyết định miễn nhiệm và bổ nhiệm các chức danh cấp trưởng, phó trong trường. Điều này đúng với trường công, nhưng với trường tư thục nếu hiệu trưởng không có vốn mà được quyền này thì sẽ dẫn đến sự xung đột nhà đầu tư và nhà trường.
“Ở trường tư thục, hiệu trưởng chỉ là người đề xuất, còn chủ tịch hội đồng quản trị mới có quyền quyết định”, ông Thường cho biết.
Đại diện Trường ĐH Nha Trang thì nêu ý kiến, cơ quan chủ quản hiện nay của các trường công lập rất đa dạng. Đại diện này đề xuất chỉ nên có một bộ chủ quản là Bộ GD-ĐT để đảm bảo tính thống nhất về quản lý giáo dục ĐH.
Băn khoăn về trình độ giáo viên
Nâng chuẩn đào tạo giáo viên bậc tiểu học và bổ sung chế độ chính sách về thu nhập cho những nhà giáo làm công tác chuyên viên, quản lý là những vấn đề mà đại diện các sở GD-ĐT tập trung góp ý trong sáng 12.12.
Dự thảo quy định nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng. Ông Trần Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thành (Đồng Nai), đề nghị cần quy định rõ ràng và cụ thể hướng giải quyết cho những giáo viên lớn tuổi, không kịp hoàn thành trình độ cao đẳng.
Ông Tạ Ngọc Trí, Vụ phó Vụ Giáo dục tiểu học, cho biết Bộ sẽ xây dựng lộ trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cụ thể phù hợp.
Nhiều đại biểu tiếp tục đề cập đến một số chính sách bất cập về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo khiến giáo viên lên chức bị mất thu nhập. Đại biểu Bùi Văn Hoàng, Hiệu trưởng Trường THCS Thăng Long (Đồng Nai), đề nghị luật cần sửa đổi và bổ sung chế độ cho những nhà giáo không trực tiếp đứng lớp làm công tác chuyên viên, quản lý.
Bích Thanh
|
Bình luận (0)