Cần tăng cường kỹ năng cho sinh viên sư phạm

30/05/2020 09:34 GMT+7

Một giáo viên có hướng dẫn SV thực tập nhận xét : 'Các SV chưa thật chín chắn lắm, nhất là những kỹ năng bắt buộc phải có khi trở thành người thầy. Hy vọng sau kỳ thực tập này, SV sẽ chững chạc hơn'.

Hằng năm, cứ sau tết là đến mùa thực tập của sinh viên (SV) sư phạm. Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên năm nay các giáo sinh đi thực tập muộn hơn, từ tuần lễ sau khi tất cả học sinh quay trở lại trường. Chia sẻ khó khăn chung, hầu hết trường phổ thông đều tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các đoàn thực tập, và SV cũng kiêm thêm nhiều công việc khác liên quan đến phòng chống dịch.
SV sư phạm ngày nay chững chạc hơn các thế hệ trước rất nhiều, từ ngoại hình, ăn mặc đến trình độ kiến thức, kỹ năng ăn nói… đều vượt trội. Đó là hiệu quả nhờ sự thay đổi phương pháp đào tạo của các trường sư phạm, quy chế tuyển sinh và chất lượng đầu vào của SV nâng lên rõ rệt trong những năm gần đây. Đa số SV cảm thấy tự tin về kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong việc dạy học, vận dụng nhiều phương pháp mới vào đổi mới dạy học ở nhà trường phổ thông.
Tuy nhiên, điều lo lắng nhất của các SV trong mùa thực tập này vẫn là kỹ năng sư phạm. Giáo sinh T.Q.H, Khoa Hóa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đang thực tập tại một trường THPT ở Q.Tân Phú, TP.HCM, cho biết: “Khoa đã có sự chuẩn bị cho SV với các bài tập trong quá trình học bằng cách yêu cầu các nhóm SV nộp video tập giảng cho giảng viên. Nhờ đó có thể đánh giá được nhiều kỹ năng của SV như thuyết giảng, trình bày bảng… Vì vậy, SV đỡ lo lắng phần này khi đi thực tập”.
Nhưng không phải mọi SV đều tự tin đứng trước lớp khi đi thực tập. SV T.Q.H cho biết thêm: “Những khoa thuộc môn xã hội hoặc tâm lý, SV được thuyết trình nhiều nên khi đi thực tập, các bạn không bị lúng túng. Những môn tự nhiên, học ở trường giống như nghiên cứu, các bài học về kỹ năng sư phạm còn ít nên SV chắc chắn sẽ gặp khó khăn”.
N.Y.N, Khoa tiếng Anh, cho biết: “Ký túc xá đã tạo điều kiện cho các SV thực tập, như kết nối wifi tại mỗi phòng, soạn bài; bố trí nhiều bảng ở các dãy hành lang cho SV tập viết bảng, tập giảng…”. Tuy vậy, SV này cũng cho biết thêm nỗi lo là các SV chủ yếu đầu tư về bài giảng điện tử chứ ít chú trọng đến việc tập luyện nói cho trôi chảy, việc lựa chọn từ ngữ sao cho chuẩn mực khi giao tiếp ở nhà trường phổ thông, biết xử lý những tình huống bất ngờ có thể xảy ra trong lớp học.
Một giáo viên có hướng dẫn SV thực tập nhận xét: “Các SV chưa thật chín chắn lắm, nhất là những kỹ năng bắt buộc phải có khi trở thành người thầy. Hy vọng sau kỳ thực tập này, SV sẽ chững chạc hơn”.
Từ thực tế này đặt ra yêu cầu nhiều hơn nữa về việc đào tạo phương pháp, kỹ năng sư phạm song song với việc giảng dạy kiến thức cho những người thầy tương lai ở các trường sư phạm hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.