Có bình đẳng khi Bộ GD-ĐT cũng biên soạn sách giáo khoa?

15/09/2018 08:35 GMT+7

Trong chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa, Nghị quyết 88 của Quốc hội có nêu rõ yêu cầu Bộ GD-ĐT phải chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Quy định này khiến cho nhiều người lo ngại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính công bằng, khách quan trong việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) cũng như việc cạnh tranh bình đẳng giữa bộ SGK của Bộ GD-ĐT với SGK của các tổ chức, cá nhân khác.
Giá thành phải tính đúng, đủ như các bộ SGK khác
Giải thích với PV Báo Thanh Niên về quy định này, ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết do không có gì đảm bảo là đến “giờ G” khi chúng ta thực hiện đổi mới chương trình, SGK theo lộ trình lại có đủ cho người dân lựa chọn. Trong trường hợp xã hội hóa viết SGK chưa thực hiện được tốt, không có nhiều SGK như mong muốn thì vẫn phải có một bộ SGK đảm bảo chất lượng để đảm bảo việc dạy và học. Đó là trách nhiệm của nhà nước, mà nhà nước ở đây chính là bộ quản lý ngành, Bộ GD-ĐT. “Về nguyên tắc thì chỉ giao cho Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn bộ SGK, còn việc tổ chức biên soạn thế nào thì quyền quyết định của Bộ GD-ĐT”, ông Thắng nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Thắng cũng cho biết đến thời điểm này vì chương trình môn học chưa ban hành nên Bộ cũng chưa thể hiện động thái nào về việc tổ chức biên soạn, in ấn SGK ra làm sao.
Theo ông Thắng, về nguyên tắc, khi tổ chức thực hiện, Bộ phải đảm bảo được chất lượng, tiến độ biên soạn và phát hành bộ SGK mà mình chủ trì nhằm đảm bảo việc dạy và học. Bên cạnh đó, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ cũng phải tính toán, đề ra các giải pháp để thúc đẩy được chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách như nghị quyết đã nêu, kêu gọi được các nguồn lực xã hội trong việc tham gia biên soạn và phát hành.
Còn về kinh phí, theo ông Thắng, nhà nước có cấp để Bộ GD-ĐT thực hiện cũng phù hợp, nhất là trong giai đoạn chuyển tiếp vì điều chúng ta quan tâm là nhà nước phải có trách nhiệm để đảm bảo nhu cầu học tập cơ bản nhất của người dân trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, ngay cả nhà nước cấp kinh phí thì có thể chỉ là cấp theo hình thức tạm ứng, sau đó nhà nước có thể thu lại sau khi đã bán được. Như vậy, giá thành sách của Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn vẫn phải tính đúng, tính đủ như các SGK của tổ chức, cá nhân khác.
“Về lâu dài, đúng là nên để việc biên soạn sách cho các tổ chức, cá nhân trong xã hội; còn trách nhiệm của Bộ GD-ĐT là ban hành chương trình chuẩn thẩm định chặt chẽ SGK theo chuẩn chương trình đó trước khi cho phép ban hành”, ông Thắng nhấn mạnh.
Người làm chương trình cũng được tham gia viết SGK
Qua các cuộc giám sát về việc xuất bản SGK do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thực hiện, có thông tin những cá nhân là chủ biên hoặc tham gia xây dựng chương trình cũng ký hợp đồng với các tổ chức để biên soạn.
Trước thực tế này, ông Thắng cho rằng không có quy định nào cấm người làm chương trình không được tham gia viết SGK. Về mặt luật pháp, những gì không cấm, công dân có thể làm. Ông Thắng giải thích: “Ở đây, những người tham gia biên soạn chương trình mà viết SGK thì sẽ tốt ở khía cạnh họ là chuyên gia trong mỗi lĩnh vực; thứ hai, họ là người rất hiểu về chương trình nên khi biên soạn sẽ đảm bảo sát chuẩn chương trình đó”.
Tuy nhiên, ông Thắng giải thích thêm: “Nếu họ tham gia với tư cách cá nhân thì bình thường, nhưng nếu giữa tổ chức và cá nhân đó lại không rõ ràng. Ví dụ, đơn vị được giao biên soạn chương trình lại tổ chức viết SGK và lại mời chính những tác giả xây dựng chương trình viết SGK thì nó sẽ trở thành vòng tròn khép kín, không tạo sự cạnh tranh lành mạnh về mặt thị trường, ưu thế sẽ rơi vào nhóm vừa làm chương trình vừa viết SGK đó”.
Đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu
Ông Phạm Tất Thắng cho biết hiện nay, Bộ GD-ĐT đang quyết tâm chính trị rất cao để thực hiện nghị quyết của Quốc hội sớm hơn một chút và quyết tâm ấy là đáng ghi nhận bởi việc đổi mới chương trình, SGK cũng là nhu cầu bức thiết. Tuy nhiên, trước khi ban hành nghị quyết về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, SGK, thực hiện chậm nhất từ năm học 2020 - 2021 (bắt đầu với cấp tiểu học) thay vì năm học 2018 - 2019 như Nghị quyết 88 đã nêu thì Quốc hội cũng đã bàn thảo rất kỹ, giữa chất lượng và tiến độ thời gian thì cái mong muốn và đặt lên hàng đầu vẫn là đảm bảo chất lượng, cần chuẩn bị kỹ lưỡng về các điều kiện thực hiện.
Ý kiến:
Nhiều SGK giúp môi trường giáo dục dân chủ hơn
Nếu muốn học sinh tự học và được rèn khả năng giải quyết vấn đề thì học sinh phải năng động, sáng tạo. Nếu chỉ có một bộ SGK thì khó đạt được các yêu cầu này.
Một lợi thế khác của việc cho phép có nhiều SGK là mình huy động được nhiều trí tuệ của xã hội tham gia việc viết SGK. Mỗi tác giả/nhóm tác giả viết SGK sẽ có thế mạnh riêng, do đó tài liệu học tập của học sinh sẽ phong phú. Việc có nhiều SGK sẽ giúp môi trường giáo dục trở nên dân chủ hơn. Ví dụ, khi có nhiều cuốn SGK, các trường sẽ được lựa chọn. Muốn biết dạy cuốn nào là tốt nhất, các trường sẽ phải dựa vào ý kiến của tập thể đội ngũ giáo viên.
PGS Trần Thị Tâm Đan (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)
Xu hướng tất yếu
Để soạn bài giảng có chất lượng thì giáo viên sẽ phải đọc rất nhiều tài liệu. Nội dung dạy học trong cùng một chương trình sẽ được những người viết sách tiếp cận theo nhiều cách khác nhau và giáo viên là người phải nắm rõ nhất lựa chọn một hay một vài tài liệu nào thì phù hợp với học sinh của mình trong từng thời điểm cụ thể. Chỉ những người không thực sự quan tâm đến học sinh của mình, chỉ lên lớp cho đủ tiết thì mới “bê nguyên” SGK để dạy học. Nói như vậy để thấy rằng, việc có nhiều SGK là xu hướng tất yếu và thực hiện nó cũng chỉ để hợp thức hóa những gì mà thực tiễn dạy và học đang diễn ra.
PGS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục VN)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.