Cô giáo 'trồng người' trên non cao

Vũ Thơ
Vũ Thơ
31/10/2020 08:18 GMT+7

9 năm đến dạy học ở một ngôi trường không có nước sinh hoạt, cô giáo Lồ Thị Lan (30 tuổi) vẫn quyết tâm bám bản để nuôi dạy học sinh, với suy nghĩ: 'Nếu ai cũng nhận phần dễ thì khó khăn để phần ai'.

Nơi nước được coi như... vàng

Năm 2011, tốt nghiệp ngành sư phạm, cô giáo Lồ Thị Lan nhận được quyết định đến công tác tại Trường tiểu học Dìn Chin, xã Dìn Chin, H.Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Trường nằm trên vùng núi cao nên thiếu thốn đủ thứ, nhưng khổ nhất vẫn là thiếu nước sinh hoạt. Cả bản chỉ trông chờ một nguồn nước suối bé ti ti, chảy róc rách từ khe núi, nên cứ sáng sớm hoặc sau buổi chiều tan học, cô và học sinh phải chuẩn bị can đi hứng từng giọt. Đã thế còn phải chờ đợi, xếp hàng. Có hôm phải chờ đến 2 tiếng đồng hồ mới đến lượt. Có người dân phải mang can ra đợi từ đêm. “Nước với chúng tôi ở nơi đây được coi như vàng”. Mọi người bảo nhau vay tiền có thể không trả, nhưng vay nước là phải trả”, cô Lan chia sẻ.
Nhớ lại ngày đầu đến công tác, khi đó cô mới tuổi 20, còn khát khao “đổi đời”, nên cô rất hoang mang. “Tôi sinh ra trong một gia đình bố mẹ đều làm nông. Nhà nghèo nhưng được bố mẹ cho ăn học, tôi mong muốn thoát khỏi cái nghèo và có cuộc sống đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, khi đến công tác ở trường, tôi thấy khổ hơn cả nhà mình. Tôi hoang mang lắm, nhưng thấy mọi người vẫn sinh sống ở đó, nhất là học sinh đang đói chữ, tôi lại không nỡ rời xa. Tôi nghĩ đến tuổi thơ của mình, nếu không được dạy chữ, tôi sẽ không có ngày hôm nay…”, cô Lan trải lòng.

Cô giáo một tuần chỉ được tắm một lần, vẫn bám bản dạy học

“Tôi rất sợ các em nghỉ học”

Trong 9 năm gắn bó với ngôi trường vùng cao, ngoài thiếu thốn vật chất, điều khiến Lan phải nỗ lực nhất là việc dạy học trò. Được phân công dạy học sinh lớp 1, nhiều em chưa biết nói tiếng phổ thông nên “lúc đầu, tôi nói trò không hiểu, trò nói tôi cũng không hiểu” nhưng không vì thế mà cô nản lòng.
“Các em cũng khó khăn như mình, nếu mù chữ thì tương lai phải gắn bó cả đời với cái đói cái nghèo, nên mình chịu khó hy sinh một chút, chấp nhận khó khăn. Tôi vừa làm bạn, vừa học tiếng để cùng trò chuyện, hướng dẫn học sinh cách học, rèn kỹ năng sống, động viên khuyến khích học sinh đi học đều. Tôi rất sợ các em vì khó khăn mà phải nghỉ học”, cô Lan nói.
Đã có không ít lần học sinh của cô trong dịp nghỉ lễ tết dài ngày, rồi không đi học nữa. Cô phải trèo đèo lội suối, đến tận nhà để vận động các em tới trường.
“Niềm vui đối với tôi và cũng là món quà quý giá nhất của những người đứng trên bục giảng là mong sao các em không bỏ trường, bỏ lớp. Mỗi lần gặp khó khăn, bản thân tôi lại nghĩ rằng “ai cũng nhận phần dễ thì khó khăn để phần ai. Bao khó khăn, vất vả của mình không là gì, khi có thể mang cái chữ đến bản làng cho các em”, cô Lan kể.

Hạnh phúc khi các em biết chữ

Cô Lan cũng chia sẻ cô là người dân tộc Bố Y, cũng là dân tộc thiểu số và cũng ở H.Mường Khương, nên điều kiện kinh tế, văn hóa còn khó khăn. Nhưng quyết tâm thoát nghèo, nên đã nỗ lực học tập. “Mỗi lần được giấy khen, hay đỗ đạt, tôi đều đi “khoe” với mọi người để bà con thấy tôi học được thì con cái họ cũng học được”, cô kể. Lan đã thi đỗ vào Trường cao đẳng Sư phạm Lào Cai. Trong quá trình đi dạy học, cô lại tiếp tục cố gắng để hoàn thành chương trình đại học ở Trường đại học Sư phạm 2.
Nói về mong muốn của mình, Lan bộc bạch: “Tôi nghĩ bản thân đã chọn cho mình nghề giáo, tôi chỉ mong được góp một chút sức nhỏ trong việc đặt những nấc thang đầu tiên cho một thế hệ mới. Vì vậy, còn gì vui hơn nếu hạt giống gieo trồng năm nào, với biết bao tình cảm, nay lại đơm hoa kết trái. Thầy cô nào cũng vậy, sẽ thật hạnh phúc và cảm thấy ấm áp khi các em biết đọc, biết viết, biết tính toán, trở thành người tử tế. Bao nhiêu đấy thôi cũng làm tôi ấm lòng rồi”.
Cô giáo Lồ Thị Lan là một trong những giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT, Ủy ban Dân tộc, Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
Một từ “cảm ơn” là chưa đủ
Đến thăm Trường tiểu học Dìn Chin, ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc Marketing của Tập đoàn Thiên Long, đại diện Ban tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”, xúc động nói: “Với tất cả những nỗ lực của các thầy cô, có lẽ một từ “cảm ơn” là chưa đủ để tuyên dương những “người hùng thầm lặng” nơi non cao hiểm trở này. Chỉ nói về những nỗ lực phấn đấu học hành để thay đổi tương lai của chính bản thân mình, các thầy cô đã là những tấm gương sáng trong xã hội. Nhưng giờ đây, các thầy cô còn là động lực chân thực nhất để chắp cánh cho con em dân tộc thiểu số tiếp tục ước mơ, phấn đấu học hành, thay đổi tương lai của chính mình và của bản làng mình. Ý chí và nghị lực phi thường này thật sự đáng được trân trọng và tri ân”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.