Đến nay, nhiều trường ĐH không biết phải làm thế nào để xác định trường mình có thí sinh (TS) Hòa Bình, Sơn La gian lận điểm thi không!
Trường ĐH chỉ biết... chờ thông tin
Danh sách 108 TS của 2 tỉnh này đến nay không những không được công khai mà ngay cả thông tin đang là sinh viên của những trường nào, dư luận gần như cũng không biết.
Hiện tại, tất cả những gì dư luận biết thông qua báo chí là có 40 TS Hòa Bình diện gian lận điểm thi vừa qua trúng tuyển vào một số trường ĐH, cụ thể có 28 người học ở các trường công an, 5 ở Trường ĐH Kinh tế quốc dân, 3 ở Trường ĐH Ngoại thương, 1 ở Trường ĐH Thương mại, 1 ở Học viện Tài chính, 2 ở Trường ĐH Y Hà Nội. Trong đó một số người vẫn được tiếp tục theo học ở một số trường vừa nêu, do điểm sau khi thẩm định vẫn đạt chuẩn vào ngành và trường đang theo học.
tin liên quan
Nhiều trường đại học lớn phát hiện thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi gian lậnNhư vậy, 67 trường hợp còn lại (24 TS Hòa Bình, 43 TS Sơn La) đang học trường ĐH nào xã hội hầu như không có thông tin. Ngay cả nhiều trường ĐH cũng không biết trong số các sinh viên Hòa Bình, Sơn La đang theo học năm thứ nhất ở trường mình có ai “dính” tới “danh sách đen” kia không, hoặc làm thế nào để xác định được điều này.
Một cán bộ Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thừa nhận: “Đúng là đến giờ trường vẫn “ngồi yên”, nghĩa là chưa có bất kỳ động thái nào để tìm xem có TS Sơn La, Hòa Bình gian lận điểm thi đang học ở trường mình không! Khi đọc báo thấy nói ở bên Kinh tế quốc dân phát hiện 5 trường hợp của Hòa Bình, tôi mới gọi điện hỏi bên ấy làm cách nào để xác định được 5 trường hợp đó. Họ nói rằng họ chẳng làm gì, mà là Sở GD-ĐT Hòa Bình gửi công văn thông báo cho trường. Thế là chúng tôi lại ngồi chờ, nếu trường mình có thì có thể các sở GD-ĐT Hòa Bình, Sơn La gửi thông báo”.
Ông Nguyễn Đào Tùng, Trưởng ban Đào tạo Học viện Tài chính, cũng chia sẻ những khó khăn của đơn vị mình trong quá trình lần mò thông tin: “Theo chỉ đạo của Bộ, chúng tôi gửi công văn cho 2 sở GD-ĐT Hòa Bình và Sơn La, nhưng hiện nay chỉ mới nhận được văn bản trả lời của Hòa Bình. Còn Sơn La thì mãi không thấy hồi âm, gọi điện không ai nghe máy. Hôm trước chúng tôi lại điện cho Bộ xin ý kiến chỉ đạo, Bộ nói là cứ yên tâm, thể nào Sơn La cũng sẽ chủ động cung cấp thông tin. Vậy là chúng tôi lại chờ”.
Sửa điểm công nghệ cao, giải quyết nặng hành chính
|
Chia sẻ với Thanh Niên, một cán bộ phụ trách mảng đào tạo của một trường ĐH cho rằng: “Cách giải quyết bằng con đường hành chính quan liêu như vậy là rất vô lý, khi mà từ nhiều năm nay Bộ GD-ĐT đã ứng dụng công nghệ thông tin rất tốt vào việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và giúp các trường xét tuyển sinh trên nền dữ liệu quốc gia về kỳ thi này”.
Có thể xử lý nhanh gọn bằng công nghệ
tin liên quan
Có nên công khai danh sách gian lận thi cử ở Hòa Bình và Sơn La?Vị cán bộ này phân tích: “Bộ có một kho dữ liệu quốc gia về thi và tuyển sinh. Trong mùa thi và tuyển sinh, tùy từng thời điểm mà Bộ mở cho TS, các sở hoặc các trường quyền truy cập. Sau khi các trường xét tuyển xong thì Bộ đóng lại toàn hệ thống. Bây giờ thì Bộ có thể mở ra, cấp quyền truy cập cho 2 sở Hòa Bình, Sơn La và các trường ĐH. Sở cập nhật thông tin cho 108 TS liên quan, còn các trường ĐH lên đó tải xuống thông tin danh sách TS trúng tuyển và đã xác nhận nhập học của mình đã được 2 sở Hòa Bình, Sơn La cập nhật. Sau đó các trường đối chiếu danh sách mới và cũ, thấy thông tin của TS nào sai lệch nghĩa là bị điều chỉnh điểm. Căn cứ vào kết quả rà soát đó, các trường có sinh viên liên quan sẽ làm các thủ tục pháp lý để loại tên các em ra khỏi danh sách trúng tuyển. Như vậy chỉ cần mất tối đa 1 tuần chứ không mất cả tháng trời mà vẫn mù mờ như hiện nay”.
Ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng cho rằng về mặt công nghệ, Bộ GD-ĐT có thể xử lý để các trường và các địa phương liên thông với nhau trên nền tảng dữ liệu chung chứ không cần từng trường phải gửi công văn hỏi, sở gửi công văn trả lời từng trường như cách mà Bộ GD-ĐT đang yêu cầu.
Ông Tớp băn khoăn: “Tôi không hiểu tại sao Bộ là nơi nắm hết dữ liệu mà phải đá quả bóng đi lung tung vậy? Một vấn đề có thể giải quyết theo một cách hết sức đơn giản, tại sao lại phải làm phức tạp hóa nó lên?”.
Bình luận (0)