Còn hơn 30% nhà vệ sinh trường học chưa đạt chuẩn trên cả nước

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
25/10/2020 17:43 GMT+7

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, hiện nay tỷ lệ nhà vệ sinh trường học đạt chuẩn là 69,4%, nhà (phòng) vệ sinh kiên cố hoá là 77,2%.

Liên quan đến câu chuyện nhà vệ sinh trường học, ngày 24.10, tại Trường ĐH Sài Gòn, Bộ GD-ĐT đã chủ trì hội nghị đánh giá thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, quản lý, sử dụng công trình vệ sinh, nước sạch trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông .

Chỉ coi nhà vệ sinh là “công trình phụ”

Báo cáo về kết quả thực hiện rà soát, đầu tư, cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh và cung cấp nước sạch, ông Phạm Văn Sinh, Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT), cho biết năm học 2017-2018, cả nước có khoảng 188.024 nhà (phòng) vệ sinh trong các cơ sở giáo dục công lập, tỷ lệ bình quân 4,63 nhà (phòng) vệ sinh/trường. Trong đó, tỷ lệ nhà (phòng) vệ sinh kiên cố hoá đạt 67,4%.
Đến năm học 2019-2020, con số này đã tăng lên 270.695 nhà (phòng) vệ sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên cả nước. Trong đó, tỷ lệ nhà (phòng) vệ sinh đạt chuẩn là 69,4%, tỷ lệ nhà (phòng) vệ sinh kiên cố hoá là 77,2%.  
 

Một nhà vệ sinh trường học tạm bợ (Ảnh chụp năm 2016).

Phạm Anh

 

Đại diện Cục Cơ sở vật chất đưa ra một số nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều trường học thiếu nhà vệ sinh như: Nhận thức các cơ sở giáo dục chưa cao, chỉ coi nhà vệ sinh là “công trình phụ”, giống như nhà vệ sinh dân dụng dẫn đến công tác tham mưu, tổ chức, quản lý sử dụng không đáp ứng nhu cầu. Ý thức bảo quản, sử dụng công trình vệ sinh, nước sạch của một số bộ phận học sinh chưa cao. Bên cạnh đó, nhiều nơi thiếu kinh phí để các cơ sở giáo dục duy trì bảo dưỡng các công trình. Ngoài ra, thực tế cho thấy, điều kiện cơ sở vật chất tại một số cơ sở giáo dục còn nhiều khó khăn, thiếu phòng học, phòng chức năng nên thiếu quan tâm đúng mức cho công trình nhà vệ sinh thiết kế nhà vệ sinh trong cơ sở giáo dục chưa phù hợp. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nhà vệ sinh nhiều nhưng chưa sát thực tế...

Có thể đưa nhà vệ sinh trường học vào nghị quyết hội đồng nhân dân 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng nhiều kết quả, mô hình hay đã được một số tỉnh, thành áp dụng để nâng chất lượng các công trình vệ sinh, nước sạch trong các nhà trường. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả được đồng đều, có tính bền vững, các cơ sở vẫn còn nhiều vấn đề cần phải làm trong giai đoạn tới. Các sở cần làm tốt công tác tham mưu cho cấp trên để có thể đưa vào nghị quyết hội đồng nhân dân hoặc ban hành các văn bản chỉ đạo ráo riết, quyết liệt hơn của các địa phương về vấn đề này.

Theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, để thực hiện hiệu quả, kinh phí là một vấn đề rất quan trọng, mấu chốt.

"Các giải pháp phải hướng đến đảm bảo phát triển một cách tổng thể, đồng bộ, bền vững trong đầu tư cơ sở vật chất trường học, nâng cao nhận thức rằng nhà vệ sinh trường học là "công trình phụ" mà không hề "phụ". Đừng nghĩ nó là "phụ" mà nhiều nơi chưa có nhà vệ sinh, công trình vệ sinh đúng nghĩa phục vụ cho các em học sinh như ở một số nơi trong thời gian qua" , Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.