Đánh giá hạnh kiểm học sinh, cần cái tâm của giáo viên!

20/05/2019 09:20 GMT+7

Cuối năm, hầu hết các trường phổ thông đều tiến hành xếp loại hạnh kiểm cho học sinh (HS). Xung quanh công việc này có thể thấy còn nhiều bất nhất, mỗi nơi mỗi kiểu, chín người mười ý, nhiều niềm phấn khởi nhưng cũng không ít băn khoăn cho giáo viên (GV), và nhất là HS.

Nói “mỗi nơi mỗi kiểu” là đúng. Vì cơ sở chính để xếp loại hạnh kiểm hiện nay là Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT nhưng thông tư này chỉ nêu các quy định, các cách đánh giá xếp loại, chứ chưa yêu cầu cụ thể quy trình đánh giá. Vì vậy, đa số các trường phổ thông đều căn cứ trên nhận xét xếp loại của GV chủ nhiệm và giám thị phụ trách (có thể không có), sau đó trình ban giám hiệu phê duyệt. Nhưng một số trường theo quy trình chặt chẽ hơn: Từ biên bản họp xét tại mỗi lớp, GV chủ nhiệm thông qua ý kiến nhận xét của GV bộ môn giáo dục công dân, ý kiến giám thị, sau đó đưa ra hội đồng xét duyệt toàn trường. Cũng có trường yêu cầu toàn bộ GV đánh giá HS lớp mình đang dạy.
Trong dự thảo mà Bộ GD-ĐT đưa ra trước đây, việc đánh giá và xếp loại HS còn dựa vào sự tự đánh giá lẫn nhau giữa HS và HS, của phụ huynh và của địa phương, xã hội. Cách thức này hầu như chưa thấy trường nào làm vì khó thực hiện.
Nói “chín người mười ý” là nói đến sự không đồng đều dẫn đến không công bằng khi xếp loại HS. Chẳng hạn, nếu chỉ để GV chủ nhiệm và giám thị xếp loại HS thì dễ thiên vị, chủ quan, có thể sẽ thiếu sự công bằng giữa các HS, giữa các lớp. Song nếu quá tôn trọng ý kiến hội đồng trường (cả biểu quyết) thì sẽ mất đi vai trò trực tiếp theo dõi của GV chủ nhiệm - người hiểu rõ nhất HS của mình là ai. Nhiều tình huống khiến cho việc xếp loại hạnh kiểm HS thiếu nhất quán, gây tranh luận. Chẳng hạn học lực “trung bình” có được xếp hạnh kiểm “tốt”? HS vi phạm lỗi rất nặng ở học kỳ 1 và xếp loại “yếu” nhưng sang học kỳ 2 xếp hạnh kiểm “tốt” thì xếp cả năm “tốt” có xứng đáng? Có công bằng với HS khác? Trong khi thông tư nêu trên yêu cầu “xếp loại hạnh kiểm cả năm học chủ yếu căn cứ vào xếp loại hạnh kiểm học kỳ 2”… Vì vậy, nhiều GV chỉ xếp ở mức hạnh kiểm “khá” với HS lực học “trung bình”. Nhiều GV kéo hạnh kiểm học kỳ 2 xuống khá để hạnh kiểm cả năm khá…
Vài ví dụ trên để thấy việc xếp loại hạnh kiểm của HS không hề đơn giản mà cần sự sát sao, linh hoạt, công tâm. Bởi vì, nó không chỉ là thước đo đạo đức HS hiện tại mà còn ảnh hưởng xấu tốt đến cả tương lai về sau của các em. Trong đợt xét loại hạnh kiểm học kỳ 2 cho HS lớp 12 vừa rồi, GV một trường THPT ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM cho biết: “Trường tôi có 6 HS vi phạm quy chế kiểm tra là mang điện thoại vào phòng thi kiểm tra, vừa rồi các em bị xếp hạnh kiểm yếu. Nhưng trường cho các em “án treo” từ đây đến khi thi THPT quốc gia. Và chắc chắn các em sẽ được dự thi kỳ thi này!”.
Tôi nhớ có nhà giáo dục đã nói: “Một khi thầy cô phân vân giữa chọn A và B, hãy chọn A nếu A có lợi cho học trò”. Xếp hạnh kiểm cũng thế. Hãy có lòng tin vào nhân cách tốt đẹp ở các em. Hãy tạo mọi điều kiện, mọi cơ hội để các em chuộc lỗi, để cho các em được hoàn thiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.