Đào tạo báo chí thời công nghệ

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
21/06/2018 08:06 GMT+7

Sự thay đổi mạnh mẽ của báo chí và truyền thông đã thúc đẩy các trường đại học phải chuyển hướng đào tạo. Các sinh viên cũng có nhiều hướng lựa chọn.

Sinh viên lựa chọn theo hướng mở
Phạm Văn Tiên, thủ khoa ngành báo chí - truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM năm 2012 và là lớp trưởng khóa 2012 - 2016, cho biết khóa của Tiên có khoảng 40% sinh viên (SV) chọn ngành báo in. Năm này có 2 chuyên ngành để SV lựa chọn là báo in - tạp chí xuất bản và các phương tiện truyền thông điện tử (báo hình, báo điện tử, phát thanh). Khi ra trường, số SV làm báo chiếm khoảng 15%, còn lại chủ yếu làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng.
Theo Phạm Văn Tiên, học báo in thường hoạt động độc lập, chương trình học cũng nặng hơn. Trong khi đó, chuyên ngành truyền thông điện tử thì làm việc theo nhóm, chương trình học nhẹ hơn. Theo Tiên quan sát, ở các năm sau, số lượng SV lựa chọn báo in đã giảm dần.
Sự lựa chọn của SV cũng như việc thay đổi chóng mặt của lĩnh vực này khiến khoa báo chí - truyền thông cũng thay đổi không ngừng. Từ khi tách khoa năm 2007, đã có 3 lần khoa này thay đổi cách phân chuyên ngành cho SV cũng như ít nhất 6 lần thay đổi chương trình đào tạo. Từ việc chia hai phân ngành báo in - các loại hình truyền thông điện tử, chuyển sang báo in - báo chí đa phương tiện thì từ năm 2017, khoa tiếp tục thay đổi khi phân chia thành phân ngành báo chí và ngành truyền thông. Sự chọn lựa của SV học phân ngành truyền thông cũng rất cao, chiếm khoảng 50% tổng số lượng SV theo học.
Chúng ta phải thừa nhận sự thay đổi gần như chóng mặt trong việc tác nghiệp ở môi trường báo chí - truyền thông hiện tại. Làm sao để chương trình đào tạo theo kịp để SV thích ứng với môi trường mới luôn là một thách thức lớn với đội ngũ đào tạo nhân sự báo chí và truyền thông
Thạc sĩ Phạm Duy Phúc (Phó trưởng khoa Báo chí - Truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)
Thạc sĩ Phạm Duy Phúc, Phó trưởng khoa Báo chí - Truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng việc chọn nghề nghiệp của SV ngành báo chí có nhiều thay đổi để thích ứng với môi trường báo chí đang đổi thay nhanh chóng, nhất là sự tích hợp giữa công nghệ truyền thông và viễn thông.
Trước đây, chủ yếu SV được trang bị kiến thức báo in và khi ra trường cũng thường làm việc trong môi trường báo in, tức là môi trường viết. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, khi báo chí đa phương tiện phát triển mạnh mẽ thì SV cũng có sự thay đổi thích ứng trong việc lựa chọn môn học cũng như tự trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho mình.
Từ khi khoa báo chí - truyền thông phân chuyên ngành báo in và các loại hình truyền thông điện tử thì tỷ lệ SV lựa chọn ngành học cũng thay đổi rất đáng kể. Rất nhiều SV chọn học các loại hình truyền thông điện tử để sau này làm việc trong các cơ quan phát thanh, truyền hình, báo trực tuyến.
Ở một trường đào tạo nhân lực báo chí khác tại TP.HCM là CĐ Phát thanh - Truyền hình TP.HCM cũng đã có những thay đổi khá rõ. Đinh Thị Năm, SV năm thứ 3 khoa báo chí và truyền thông, cho biết những bạn đam mê viết lách xác định tiếp tục theo đuổi việc làm báo, nhưng một bộ phận không nhỏ SV cho biết sẽ chuyển sang làm truyền thông khi ra trường.
Thạc sĩ Ngô Thị Hồng Minh, Phó trưởng khoa báo chí và truyền thông, cho biết từ năm 2018 khoa đã tuyển sinh thêm 2 ngành là truyền thông đa phương tiện và quan hệ công chúng bên cạnh ngành báo chí. Số lượng hồ sơ cho đến lúc này khá nhiều. Khoa công nghệ phát thanh - truyền hình và truyền thông của trường cũng mở thêm ngành quay phim và thiết kế đồ họa.
Một sự thay đổi trong lĩnh vực truyền thông rất rõ là ngày càng có nhiều SV học ngành quan hệ công chúng.
Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho biết trường đã có 12 năm đào tạo ngành này. Hằng năm ngành quan hệ công chúng thu hút rất nhiều thí sinh xét tuyển vào trường. Năm 2018, số lượng thí sinh nộp hồ sơ chiếm trên 12% tổng số 27 ngành đang đào tạo của trường. Cụ thể, trường nhận được gần 30.000 hồ sơ nguyện vọng mà ngành này đã chiếm 3.700 hồ sơ. Thạc sĩ Tuấn cho rằng SV chọn ngành này vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu do nhu cầu nhân lực xã hội tăng.
Tác nghiệp trong môi trường đa phương tiện
Tuy nhiên, thạc sĩ Phạm Duy Phúc cho rằng ngành báo chí vẫn luôn có chỗ đứng nhất định. Vẫn có nhiều SV đam mê làm báo lựa chọn theo học. Xét theo tỷ lệ, số lượng SV chọn học báo chí cũng không quá ít.
“Chúng ta phải thừa nhận sự thay đổi gần như chóng mặt trong việc tác nghiệp ở môi trường báo chí - truyền thông hiện tại. Làm sao để chương trình đào tạo theo kịp để SV thích ứng với môi trường mới luôn là thách thức lớn với đội ngũ đào tạo nhân sự báo chí và truyền thông. Chương trình hiện nay hướng tới mục tiêu đào tạo những cử nhân đầy đủ kỹ năng tác nghiệp trong môi trường truyền thông đa phương tiện. Bên cạnh đó, khoa cũng thường xuyên sử dụng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng. Hiện nay khoa báo chí truyền thông có đội ngũ thỉnh giảng chiếm tới 50%, với những nhà báo có tên tuổi, chuyên gia truyền thông uy tín cập nhật chương trình, cập nhật hiện thực tác nghiệp của ngành báo chí - truyền thông”, thạc sĩ Phúc cho biết.
Theo thạc sĩ Ngô Thị Hồng Minh, hiện nay khoa cử giảng viên đi thực tế tại các cơ quan báo chí, truyền thông ít nhất là 4 tuần/năm. Khoa cũng hợp tác với nhiều cơ quan truyền thông để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, đặt vấn đề đưa SV đến thực tập, theo sát công nghệ làm báo mới...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.