Sáng nay 20.6, Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức buổi gặp mặt các cơ quan báo chí nhân dịp 93 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2018). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và có bài phát biểu. Cùng dự buổi gặp mặt báo giới còn có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và nhiều bộ trưởng.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng ghi nhận những đóng góp của báo chí cách mạng “là công cụ sắc bén góp phần quan trọng bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội”. “Những năm qua, báo chí nước nhà đã thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đưa tin đầy đủ, kịp thời về tình hình trong nước và quốc tế; phản ánh mọi mặt đời sống xã hội; phát huy những giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình hiệu quả, cách làm hay; biểu dương gương người tốt, việc tốt; đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái; góp phần tích cực bảo vệ chủ quyền quốc gia, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đấu tranh và phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống; qua đó tạo đồng thuận để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn”, Thủ tướng đánh giá.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chia sẻ với những khó khăn mà những người làm báo đang phải đối mặt. Đó là báo in đối mặt với sự sụt giảm mạnh về doanh thu, độc giả. Báo điện tử phải cạnh tranh quyết liệt với mạng xã hội... Song bênh cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế như một số cơ quan báo chí còn chưa chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ đưa tin; có trường hợp còn chạy theo yếu tố thương mại, giật gân, câu khách, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, đưa tin một chiều, gây bức xúc xã hội…
“Những người làm báo chân chính chúng ta rất bất bình trước những trường hợp “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”, một số nhà báo không thực hiện trách nhiệm đưa tin trên báo chính thống mà viết bài thiếu tính xây dựng, thể hiện quan điểm tiêu cực trên mạng xã hội”, Thủ tướng nói và mong muốn báo chí tiếp tục làm tốt và phải làm tốt hơn nhiệm vụ công tác thông tin, tuyên truyền đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó.
Cụ thể, người đứng đầu Chính phủ cho rằng báo chí cần chú trọng tuyên truyền về mặt tốt, mặt tích cực, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến để lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Báo chí cũng cần thông tin nhanh nhạy, chính xác, khách quan, trung thực, thực hiện tinh thần trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân; phản ánh kịp thời, trung thực những nguyện vọng, ý kiến, truyền tải thông tin thiết thực đến toàn thể nhân dân để xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp với phương châm 10 chữ “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”.
“Tôi đề nghị báo chí luôn đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thông tin tuyên truyền, củng cố niềm tin và sự đồng thuận xã hội trong thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Báo chí cùng tham gia giám sát các cơ quan trong toàn hệ thống hành chính nhà nước, thực hiện phương châm 10 chữ nêu trên của Chính phủ”, Thủ tướng kêu gọi.
Bên cạnh đó, qua những sự việc xảy ra gần đây, Thủ tướng yêu cầu phải quản lý tốt hơn đội ngũ phóng viên, người làm báo; xử lý nghiêm các trường hợp có bài viết kích động, không theo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. “Điều này không có nghĩa là không được nói những ý kiến khác mà góp ý, phản biện phải trên tinh thần xây dựng, có trách nhiệm, đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng lúc, đúng chỗ. Kiên quyết không để tình trạng báo chí giật tít giật gân, kích động”, Thủ tướng giải thích.
Đáng chú ý, nói tới đề án quy hoạch báo chí, Thủ tướng chỉ đạo cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật và triển khai thực hiện quy hoạch báo chí theo đề án đã được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng thông qua, vừa bảo đảm quản lý tốt, vừa tạo điều kiện cho báo chí phát triển.
Liên quan đến một số kiến nghị của các lãnh đạo báo về việc xem xét trình Quốc hội có chính sách thuế để chia sẻ với khó khăn của báo chí hiện nay, Thủ tướng cho hay sẽ cùng các cơ quan liên quan xem xét trên tinh thần chung tay chia sẻ khó khăn với các cơ quan báo chí, cộng đồng nhà báo, người làm báo.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan, bảo đảm thu nhập, đời sống của nhà báo, người làm báo, người lao động trong các cơ quan báo chí. Quan tâm tới vấn đề kinh tế báo chí, thu nhập của người làm báo nhưng không để mặt trái cơ chế thị trường tác động làm cho báo chí bị thương mại hóa, làm sai tôn chỉ mục đích, đi chệch định hướng mà chính các cơ quan báo chí chúng ta đã lên án.
Bình luận (0)