Thực tế quá trình đào tạo này có dễ bị “lọt sổ” những học viên không đảm bảo chất lượng đến mức như vậy?
Tình trạng “tẩy bằng”: Kẽ hở liên kết
Theo thông tin, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) đã mượn bằng tốt nghiệp THPT của chị học trung cấp kế toán. Sau đó, người này dùng bằng trung cấp để đăng ký học ĐH từ xa ngành kế toán. Từ bằng tốt nghiệp ĐH, bà Sa (giả) lại tiếp tục nộp hồ sơ học thạc sĩ theo chương trình liên kết giữa Học viện Tài chính và Trường ĐH Tây Nguyên.
Theo trưởng phòng sau ĐH của một trường ĐH công lập lớn tại TP.HCM, tình trạng này gọi là “tẩy bằng” và hiện nay khá phổ biến trong cán bộ công chức. Nghĩa là rất nhiều người đi học cử nhân ĐH tại chức, từ xa, sau đó học thạc sĩ. Thạc sĩ chỉ có chính quy, còn mức độ đào tạo khó hay dễ tùy trường. Cứ đăng ký học trường nào đào tạo dễ sẽ “tẩy bằng” nhanh chóng.
Cũng theo vị trưởng phòng này, điều kiện học thạc sĩ hiện nay cứ tốt nghiệp cử nhân là được, không phân biệt tại chức, từ xa, chính quy… Ngày trước, số trường đào tạo thạc sĩ ít, người học nhiều nên tuyển đầu vào khó. Trong vòng 5 năm trở lại đây, số lượng trường được đào tạo thạc sĩ nhiều hơn nên tuyển đầu vào rất dễ dàng. Vì vậy, bức tranh “tréo ngoe” hiện nay là trường công lập có uy tín lại đang gặp khó khăn trong đào tạo thạc sĩ vì đầu vào khó, đầu ra cũng khó.
“Hiện nay, muốn liên kết đào tạo thạc sĩ ngoài cơ sở thì chỉ được đào tạo tại khu vực Tây nguyên, Tây Bắc, Tây Nam bộ. Nhưng không hiểu sao rất nhiều trường phía bắc vào TP.HCM, Tây Nam bộ đào tạo? Lẽ ra đây là nhiệm vụ của các trường ĐH phía nam vì năng lực thừa sức nhưng không hiểu sao các đơn vị ở các tỉnh lại chọn trường ngoài bắc?”, vị trưởng phòng này đặt câu hỏi.
Tiến sĩ một trường ĐH công lập khác tại TP.HCM cũng cho biết trường này năm ngoái tuyển được 18 học viên chương trình cao học nhưng năm nay tuyển không được. Nguyên do vì trường tuyển đầu vào, xét đầu ra khó khăn, có nhiều quy định đảm bảo chất lượng, trong khi nhiều chương trình liên kết thạc sĩ đào tạo lại quá dễ dàng nên người học đã chọn những nơi “thuận lợi”.
Chương trình 2 tuần rút còn 1 ngày !
Để chứng minh cho việc đào tạo dễ dàng này, tiến sĩ trên cho biết mới tuần trước, một trường ĐH ở Hà Nội mời ông đi dạy lớp thạc sĩ ở tỉnh Bình Phước. Môn học của ông theo quy định là 45 tiết, dự kiến dạy trong 2 tuần mới hoàn thành. Tuy nhiên, trường đề nghị ông hoàn thành tất cả trong 1 tuần!
Ông cũng cho biết việc học thạc sĩ không như ngày xưa nữa. Giảng viên phần nhiều mang tính chất hỗ trợ học viên hoàn thành chương trình. Luận văn học viên nhờ làm thuê rất nhiều. Việc bảo vệ thạc sĩ ở một trường chia ra làm nhiều đợt. Có khi cả mấy tháng mới có một đợt, không có tính chất tập trung, vì vậy rất khó phát hiện những người làm gian dối.
Trưởng phòng sau ĐH một trường công lập tại TP.HCM còn cho biết không chỉ đề nghị rút thời gian môn học từ 2 tuần xuống 1 tuần (4 buổi/tuần), ông còn nhận được đề nghị từ học viên và nơi đào tạo rút xuống chỉ còn 1 ngày.
Tiến sĩ Hồ Xuân Mai, phụ trách bộ môn ngôn ngữ học, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, cũng cho biết: “Đào tạo thạc sĩ hiện nay có rất nhiều kẽ hở như tuyển đầu vào sai chuyên ngành. Về nguyên tắc, cao đẳng không được thi vào cao học nhưng nhiều trường vẫn nhận, cho học bù vài môn để hợp thức hóa. Việc đào tạo thạc sĩ nhiều quá, chất lượng nhiều nơi rất kém”.
Quản lý lỏng lẻo
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng hầu hết chương trình cao học hiện nay ở VN là hình thức tại chức, vừa làm vừa học, người học không tập trung được nên dễ được thông cảm, hạ nhẹ chất lượng dẫn đến tình trạng quản lý lỏng lẻo.
Ông Tống kể: “Hơn 20 năm trước, tôi dạy lớp cao học tại một trường ĐH công lập lớn được xem là uy tín hàng đầu về lĩnh vực cơ khí. Một học viên tôi đã cho 3 điểm môn cơ học lưu chất - một môn đòi hỏi người học phải có kiến thức nền vững chãi từ bậc ĐH nhưng học viên này không có. Nhưng 1 năm sau đó, người khác được mời dạy và học viên này dù rất yếu vẫn được qua môn để cuối cùng nhận bằng thạc sĩ và đi dạy”.
Từ câu chuyện đó, ông Tống khẳng định: “Ngay cả những trường tốp trên thì việc “lọt sổ” những học viên yếu vẫn có thể xảy ra. Học viên không có trình độ năn nỉ làm cho người thầy buông xuôi, đặc biệt là việc hướng dẫn thành công học viên cao học, nghiên cứu sinh cũng chính là thành tích để phong chức danh GS, PGS của chính người hướng dẫn”.
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc đảm bảo chất lượng giáo dục - Tập đoàn Nguyễn Hoàng, cũng nhận định: “Việc kiểm soát chất lượng nói chung còn lỏng lẻo. Nhà nước đã có hàng loạt quy định nhưng có thể do làm không xuể”.
Một tiến sĩ đầu ngành trong lĩnh vực ngôn ngữ Anh tại TP.HCM cho biết thực trạng đáng buồn trong đào tạo thạc sĩ đã từng thấy qua thực tế làm việc của một số hội đồng bảo vệ luận văn trước đó. Có những luận văn được sao chép gần như giống nhau nhưng không hề được phát hiện từ hội đồng.
Người này dẫn chứng việc thông qua luận văn thạc sĩ sao chép từ một luận văn trước đó cùng chuyên ngành giảng dạy tiếng Anh của một trường ĐH công lập tại TP.HCM. Khi đó, một luận văn thực hiện vào tháng 12.2006 đã sao chép luận văn thực hiện vào tháng 11.2005. Dù giống nhau tới 80% nhưng luận văn sao chép vẫn được hội đồng thông qua, học viên đã tốt nghiệp và sau đến 4 năm mới được phát hiện bởi người tham khảo tài liệu.
“Việc để lọt những người học không đảm bảo chất lượng trong đào tạo thạc sĩ là có thật trên thực tế. Nhưng trước tình trạng hiện nay, khi hệ thống kiếm soát không thể ngăn chặn hết được thì chỉ còn cách chờ đến lúc người sử dụng, người học tự “tẩy chay” những cơ sở đào tạo kém chất lượng thì bản thân trường đó mới tự thay đổi được”, tiến sĩ này nói.
Trong tư cách một giáo sư đang tham gia giảng dạy sau ĐH ở nhiều trường tại TP.HCM và các tỉnh phía nam, chỉ ra những hạn chế trong đào tạo thạc sĩ, ông nói: “Đó là tình trạng cho học viên nợ đầu vào tiếng Anh, thay vì phải đạt từ đầu vào thì du di đến khi ra trường. Bên cạnh đó, có những cơ sở đào tạo “linh hoạt”, tự động thay đổi chuyên đề này do không mời được giảng viên sang chuyên đề mới có giảng viên dạy…”. Đáng lưu ý, giáo sư này cho biết nhận được không ít lời mời tham gia giảng dạy của các trường ĐH có trụ sở chính tại Hà Nội, miền Trung nhưng mở lớp đào tạo thạc sĩ chính quy tại Đồng Nai, An Giang…
“Một trường ĐH địa phương sẵn sàng trả 7 triệu đồng/tháng chỉ để người có bằng giáo sư đứng tên mở ngành đào tạo. Họ sẵn sàng mời người hướng dẫn không đủ chuyên môn. Với cách làm đó thì chất lượng thực sự ở đâu ra?”, GS này trăn trở.
Bình luận (0)