Dạy học thời dịch Covid-19: 'Liều vắc xin' giúp học sinh xốc dậy tinh thần học tập

23/09/2021 09:00 GMT+7

Dạy học thời dịch Covid-19 khó và khác nhiều so với dạy học trước đây, nhưng sự lan tỏa yêu thương từ thầy cô sẽ là liều vắc xin tinh thần giúp học sinh tự giác học tập, phấn đấu và rèn luyện.

Qua khảo sát thái độ và tinh thần học tập trực tuyến, hầu hết học sinh đều đã quen và thích ứng dần với hình thức học tập này. Tuy nhiên gia đình từng em còn có những khó khăn nhất định từ thu xếp công việc riêng, thiếu công cụ học tập. Mỗi lần trong giờ học trực tuyến nghe lớp trưởng báo “thầy ơi, bạn A. bị sốt và nghi nhiễm F0 nên xin nghỉ tiết này”, lòng tôi lại cồn cào lo lắng, thương lắm.
Hiểu được sự khó khăn đó, tôi luôn trăn trở và quyết định lập kênh YouTube chia sẻ học tập môn hóa để quay bài giảng cho các em có thể học tập và xem bài học mọi lúc, mọi nơi.
Trước tiết học bài mới, tôi luôn gửi các lớp link để điền vào bộ câu hỏi KWL. Trong đó, K (Know): những điều đã biết về bài học, W (Want): những điều các em chưa biết, chưa hiểu cần giáo viên giải đáp và L (Learn): những điều đã nắm được qua bài học này. Từ những câu phản hồi của các em, tôi lại tìm cách giải đáp cho các em hiểu cặn kẽ bài học, xây dựng kịch bản học tập kết nối thầy và trò, trò với trò trên công cụ khi học trực tuyến hoặc thảo luận qua Zalo, Facebook, email… 
Kết thúc mỗi chủ đề học tập tôi sẽ gửi đến các em những câu hỏi và bài tập thật cơ bản, bám sát chuẩn kiến thức - kỹ năng, không đánh đố, chỉ ở mức độ biết, hiểu và vận dụng thấp. Bộ câu hỏi và bài tập này sẽ là công cụ kiểm tra - đánh giá tải lượng nội dung học tập, giúp các em có thể tự mình đánh giá xem bản thân còn thiếu sót, chưa nắm nội dung nào, có thể gửi phản hồi và tôi sẽ xây dựng những kịch bản dạy học phù hợp ở những tiết sau. Quy trình học tập giữa thầy và trò luôn thoải mái, không áp lực qua 3 bước như thế: Chia sẻ - kết nối - yêu thương.
Mỗi tiết học, tôi luôn dành thời gian để hỏi thăm, động viên tinh thần học tập và chia sẻ yêu thương đến gia đình các em về tình hình dịch bệnh, sức khỏe của các em và người thân… để qua đó có thể nắm bắt và có hướng giúp đỡ, hỗ trợ các em kịp thời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.