Tiến sĩ Nguyễn Tấn Đại, Nghiên cứu viên liên kết Phòng thí nghiệm liên ĐH về khoa học giáo dục và truyền thông, ĐH Strasbourg (Pháp) đã chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên những đề xuất xung quanh việc tiếp cận dạy học trực tuyến thời Covid-19, trong đó có hình thức dạy học trên truyền hình.
Theo ông vấn đề chưa ổn của việc tiếp cận dạy học trực tuyến hiện nay là gì?
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Đại: Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát năm ngoái cho đến nay, có thể nhận thấy có một xu hướng ở nhiều trường học thuộc mọi bậc học, đó là bê nguyên bài giảng trên lớp lên trên mạng hay lên truyền hình. Một mặt, chuyển tải bài giảng trên truyền hình là một trong những cách làm được các tổ chức giáo dục quốc tế như UNESCO tổng hợp thành kinh nghiệm tốt chia sẻ giữa các quốc gia. Nhưng mặt khác, đây là cách làm dành cho những quốc gia và vùng lãnh thổ có điều kiện hạ tầng công nghệ thiếu thốn.
Đối với các quốc gia có hạ tầng viễn thông và internet tốt, biến sóng truyền hình địa phương hay quốc gia thành các lớp học từ xa hàng ngày hàng giờ sẽ gây tốn kém nhiều chi phí và công sức nhưng hiệu quả rất thấp. Thay vào đó, hoàn toàn có thể đầu tư cho những việc khác có ý nghĩa hơn. Về mặt phương pháp sư phạm, tổ chức giảng bài theo kiểu truyền thống rồi ghi hình và phát trên truyền hình hay internet thể hiện lối giáo dục truyền thụ một chiều. Trong ứng dụng công nghệ giáo dục tại các nước phát triển, người ta đã thay đổi cách tiếp cận này từ trên dưới 50 năm nay, chúng ta không nên “đi ngược thời đại”.
Ở bậc ĐH, từ nhiều năm qua hầu hết các trường đều có ít nhất một hệ thống quản lý dạy học trực tuyến (LMS). Tuy nhiên, phần lớn các trường chỉ khai thác những chức năng cơ bản nhất của hệ thống LMS như cung cấp tài liệu học tập, tạo diễn đàn thảo luận… Trong khi đó, rất nhiều các loại hình hoạt động học tập đa dạng, có khả năng phát huy tính tích cực chủ động học tập của người học, thì dường như chưa được hiểu rõ và khai thác triệt để.
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Đại: "Cơ sở hạ tầng tất nhiên là quan trọng, nhưng nói đến dạy học trực tuyến trước tiên cần nói đến phương pháp. Cho dù có đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại đến đâu đi nữa, mà giáo viên không nắm vững phương pháp thì sẽ không thể dạy học trực tuyến được hiệu quả và lâu bền".
|
Bài giảng ở hình thức dạy học trực tuyến cần được thiết kế ra sao về mặt nội dung, đặc biệt là thời lượng tối đa của mỗi bài giảng, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Đại: Một trong những nguyên tắc quan trọng hàng đầu của tài nguyên học liệu trực tuyến là cần phải được phân đoạn, chia nhỏ. Khi học tập trung, một giáo viên giỏi thuyết giảng có thể nói liên tục hàng giờ mà vẫn thu hút người học. Ngược lại, một giáo viên giảng bài nhàm chán mà nói không nghỉ thì người học sẽ ngủ gục hoặc quay sang làm việc riêng.
Do đó, nguyên tắc phân đoạn và chia nhỏ tài nguyên có yêu cầu là mỗi đơn vị tài nguyên học liệu phải được thiết kế sao cho có tính độc lập tương đối. Thời lượng để người học tiếp nhận nội dung cần đủ ngắn, không đòi hỏi người học phải tập trung xem - hiểu, nghe - hiểu hay đọc - hiểu liên tục quá 15 phút. Mỗi phân đoạn tài nguyên học liệu như vậy luôn phải được cung cấp kèm theo các thông tin chỉ dẫn về cách thức sử dụng, hoạt động cần thực hiện sau khi xem/ nghe/ đọc xong, thời hạn thực hiện, yêu cầu cần đạt, hoặc ít nhất là bài tập kiểm tra đánh giá mức độ hiểu các nội dung cung cấp trong tài nguyên học liệu.
Các bài tập trắc nghiệm tương tác có vai trò quan trọng trong việc giúp người học hiểu bài nhanh chóng. Đặc biệt, cần soạn luôn các lời phản hồi tức thời cho từng phương án trả lời, giúp người học hiểu rõ khi chọn phương án đúng thì vì sao đúng, khi chọn phương án sai thì vì sao sai. Nhờ đó, mặc dù giáo viên không hiện diện đồng thời, nhưng thông điệp của giáo viên luôn có sẵn bên trong bài tập, tạo một cảm giác gần gũi, thân thuộc, gắn bó với người học.
Như vậy, một môn học sẽ có nhiều bài học, một bài học sẽ có nhiều phân đoạn, vừa bảo đảm tính thống nhất hoàn chỉnh, vừa cho phép người học tùy nghi sử dụng một cách cơ động, linh hoạt tối đa (qua LMS, e-mail, website, blog, mạng xã hội, ứng dụng di động...) Người học không bắt buộc phải tập trung cùng lúc để nghe giáo viên giảng bài theo lịch cố định, hoạt động dạy và học không quá lệ thuộc vào một phương tiện duy nhất. Những khó khăn về trang thiết bị, máy móc, hạ tầng công nghệ sẽ phần nào được khắc phục, góp phần hạn chế bất công đối với nhóm người học có điều kiện kinh tế xã hội không thuận lợi.
Việc tạo ra động lực để giúp người học có khả năng tự học khi học từ xa là yếu tố quan trọng và không dễ thực hiện, ông có đề xuất nào với người đứng lớp?
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Đại: Một thực tế nhiều người đã nói đến là hiện nay ý thức và tinh thần tự chủ của người học có ít nhiều hạn chế, nên dạy học trực tuyến không hiệu quả. Tuy nhiên, một thực tế khác có lẽ ít người nhận thấy hơn, đó là nhà giáo dục nói chung và giáo viên nói riêng đã làm đúng và làm đủ để đặt người học vào tâm thế học tập chủ động hay chưa?
Với quan điểm truyền thụ, giáo viên sẽ cho rằng nếu mình không trực tiếp giảng giải thì người học sẽ không thể hiểu bài; người học bị đặt vào tâm thế tiếp nhận hoàn toàn thụ động. Còn dạy học trực tuyến đúng nghĩa sẽ giúp người học tự kiến tạo tri thức cho mình, thông qua việc biệt hóa lộ trình học tập theo cấu trúc phân đoạn. Người học có thể chọn nhịp điệu học tập linh hoạt, nhanh chậm tùy thích, xem đi xem lại nhiều lần được. Các bài tập tự đánh giá ngắn kèm theo các phản hồi tức thời giúp họ hiểu rõ ngay từng bài học nhỏ.
Quan điểm kiến tạo chuyển trọng tâm về phía người học, cả trong biên soạn tài nguyên học liệu lẫn tổ chức hoạt động học tập và kiểm tra đánh giá. Bất kể người học ở trình độ nào, họ luôn được khuyến khích chủ động tương tác với kiến thức và với bạn cùng học, được phép mắc sai sót trong quá trình học tập và tự học từ chính các sai sót đó. Một cách khách quan, khi giáo viên chưa bắt đầu một phương pháp dạy học tích cực thì không thể đòi hỏi sự tích cực học tập từ phía người học.
Cuối cùng, về phía cơ sở đào tạo theo ông cần đầu tư cơ sở hạ tầng ra sao để việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả cao hơn?
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Đại: Cơ sở hạ tầng tất nhiên là quan trọng, nhưng nói đến dạy học trực tuyến trước tiên cần nói đến phương pháp. Cho dù có đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại đến đâu đi nữa, mà giáo viên không nắm vững phương pháp thì sẽ không thể dạy học trực tuyến được hiệu quả và lâu bền. Trong khi đó, giáo viên nắm vững phương pháp thì sẽ có rất nhiều cơ hội thành công dù điều kiện máy móc kỹ thuật có những hạn chế nhất định.
Bình luận (0)