Mặt khác, chính sách đào tạo và sử dụng cán bộ lại khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tìm cách có bằng cấp để “làm đẹp” hồ sơ.
Khi người học là quan chức
Trong kết luận thanh tra liên quan tới tổ chức đào tạo sau ĐH ở Học viện (HV) Khoa học xã hội (KHXH) của Thanh tra Bộ GD-ĐT có nhắc đến một trường hợp nghiên cứu sinh (NCS) P.V.T, chuyên ngành quản lý kinh tế. Bằng thạc sĩ của ông T. do Trường ĐH Griggs (Mỹ) cấp nhưng ông T. chưa thực hiện việc công nhận văn bằng. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trường hợp như của ông T. là không đạt yêu cầu về chuẩn đầu vào của đào tạo tiến sĩ. Nhưng ông T. vẫn được làm NCS, bảo vệ thành công luận án từ tháng 9.2015 và đã được cấp bằng tiến sĩ. Được biết, ông T. đang là phó chủ tịch UBND một tỉnh miền núi.
Ngoài ông T., rất nhiều trường hợp học viên, cựu học viên của HV KHXH là “nạn nhân” của những sai phạm trong tổ chức đào tạo sau ĐH ở HV này trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo như chia sẻ của GS Phạm Văn Đức, Giám đốc HV KHXH, thì HV không đặt ra vấn đề “hồi tố” bằng tiến sĩ của ông T. cũng như những học viên khác đã được HV cấp bằng. Theo như giải thích của GS Đức là do trong số cựu học viên, NCS của HV có rất nhiều người là cán bộ, công chức nhà nước. “Nếu tước bằng thì sự nghiệp chính trị của người ta đi đứt”, ông Đức nói.
tin liên quan
Dễ như 'sản xuất' luận văn sau đại học
Nghiên cứu khoa học để lấy học vị giờ đã trở thành 'công nghệ' và công nghệ sản xuất luận văn, luận án đã trở nên chuyên nghiệp khiến những đóng góp về mặt khoa học đang trở thành vấn đề đáng báo động.
PGS Ngô Huy Cương, Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội, kể một cán bộ cấp cao trong ngành luật làm NCS. Đề tài luận án của vị NCS này không mới, lại nhiều lỗi trích dẫn, nhưng vẫn bảo vệ thành công. “Đầu vào của học viên đã kém, sự đào sâu nghiên cứu lại không có. Vì quá kém nên thầy cô không thể vực lên nổi, rồi cũng dễ dãi nữa nên cho qua”, PGS Ngô Huy Cương chia sẻ.
Học sau ĐH để “xóa” tại chức ĐH
Theo các chuyên gia, việc người học các chương trình đào tạo sau ĐH là cán bộ quản lý, công chức nhà nước không chỉ khiến các đơn vị đào tạo “khó nghĩ”, phải “nâng lên đặt xuống” khi để xảy ra sai phạm mà còn là nguyên nhân quan trọng khiến chất lượng đào tạo sau ĐH yếu kém.
|
GS Trần Ngọc Vương, Trường ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng cho rằng người học thạc sĩ, tiến sĩ lĩnh vực KHXH hiện nay chủ yếu gồm 2 loại, một là người thất nghiệp không có việc, hai là cán bộ/công chức/viên chức đi học để “làm đẹp” hồ sơ. Có những người chỉ có bằng ĐH tại chức, vì muốn “xóa” chữ “tại chức” mà đi học thạc sĩ. Còn PGS Ngô Huy Cương thì nhận xét: “Thường những người có bằng ĐH tại chức rất thích “tráng men” thạc sĩ tại các cơ sở đào tạo tên tuổi để cho oai. Trong khi thực tế cho thấy những nơi tên tuổi ấy lại lắm chuyện lình xình về chất lượng”.
tin liên quan
Một thầy cùng lúc hướng dẫn 44 học viên thạc sĩ của 3 chuyên ngànhĐây là một trong những sai phạm của Học viện Khoa học xã hội (KHXH)
thuộc Viện Hàn lâm KHXH VN, trong tổ chức quản lý đào tạo sau ĐH mà kết
luận thanh tra của Bộ GD-ĐT vừa chỉ ra.
Xem lại vai trò của người hướng dẫn
Chia sẻ với Thanh Niên, GS Phạm Văn Đức cũng thừa nhận một số sai phạm trong quy trình đào tạo làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng đào tạo của HV KHXH như Thanh tra Bộ GD-ĐT đã chỉ ra là không thể chấp nhận được. Cũng vì thế mà Viện Hàn lâm KHXH đã phải điều một phó chủ tịch của Viện (là GS Đức - PV) về trực tiếp lãnh đạo HV từ tháng 9.2016. “Thực ra các quy chế, quy định đã có đẩy đủ hết, vấn đề trong quá trình điều hành người ta không thực hiện đúng. Quan trọng là người đứng đầu cơ sở đào tạo, nếu trong quá trình điều hành cứ cho vượt qua quy chế thì chịu”, GS Đức nói.
Còn GS Trần Ngọc Vương cho rằng vai trò của người thầy rất quan trọng trong việc thúc đẩy chất lượng đào tạo cho chính ngành khoa học của mình. Trong đào tạo sau ĐH, người thầy có quyền chọn trò, vì thế việc chọn đúng người có trình độ, có năng lực và yêu thích nghiên cứu khoa học để hướng dẫn là quyền ở thầy. “Trong mảng KHXH thì người thầy không hề phải chịu áp lực nào về số lượng. Chẳng hạn từ khi còn là tiến sĩ đến khi thành GS mất 10 năm. Trong 10 năm đó chỉ cần hướng dẫn thành công 2 tiến sĩ là đủ điều kiện về tiêu chuẩn đào tạo để làm GS. Vậy hà cớ gì phải nhận hướng dẫn một lúc cả chục người!”, GS Vương đặt vấn đề.
tin liên quan
Nhiều sai phạm trong đào tạo sau ĐH tại Học viện Khoa học xã hộiTheo nguồn tin của Thanh Niên, chiều ngày 25.8, Bộ GD-ĐT đã có kết luận thanh tra về việc xác định chỉ tiêu, tổ chức tuyển sinh, quản lý đào tạo, cấp phát văn bằng chứng chỉ trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện (HV) Khoa học xã hội (KHXH), Viện Hàn lâm KHXH VN.
Bình luận (0)