Đề xuất tiến tới học bằng tín chỉ để xét tốt nghiệp THPT

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
27/09/2020 14:04 GMT+7

Theo ông Trần Đức Cảnh, sau 5 năm tới, chương trình học THPT nên chuyển hẳn sang hệ tín chỉ. Học môn nào thi môn nấy và đủ môn, tín chỉ, điểm trung bình thì đương nhiên tốt nghiệp THPT.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Trần Đức Cảnh, thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, cho biết ông vừa tham dự cuộc họp của Hội đồng vào ngày 23.9 và có đề xuất một số ý kiến liên quan đến việc thi hoặc xét tốt nghiệp THPT trong tương lai. Đây chỉ là các ý kiến của cá nhân ông tại cuộc họp gửi đến Chính phủ. 

Chuyển sang học theo tín chỉ

Ông Trần Đức Cảnh cho biết trong cuộc họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực vào chiều ngày 23.9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có đặt câu hỏi đang là quan tâm của nhiều người: "Thi tốt nghiệp THPT hàng năm học sinh cả nước đậụ với tỷ lệ 97-98%, liệu chúng ta có nên tiếp tục tổ chức thi?".
Các thành viên Hội đồng, chuyên gia, hiệu trưởng các trường ĐH lớn đa số thuận theo hướng tiếp tục tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo cách như hiện nay cho những năm tới.
Ông Trần Đức Cảnh cho biết ông có phát biểu và chia sẻ tại cuộc họp: “Tôi đồng tình với kế hoạch của Bộ GD-ĐT là ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT trong 3-5 năm tới, tránh thay đổi liên tục như những năm qua. Trong thời gian này chúng ta nên suy nghĩ, có sự chuẩn bị tốt và hướng lâu dài về cách thi, cách học, cánh đánh giá, kiểm tra năng lực học của học sinh hiệu quả, tạo động lực cho học sinh học tập và phát huy".
Nhưng theo ông Cảnh, thời gian sau 5 năm nữa thì không nên thi tốt nghiệp.
"Tôi đồng tình với lập luận “học là phải thi, không thi thì học sinh không học”. Tuy nhiên, thi thế nào để bớt tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc cho học sinh, gia đình và xã hội, nhưng mang lại hiệu quả cao mới là chuyện quan trọng. Thời gian, công sức phải bỏ ra cho kỳ thi hiện nay không chỉ là của học sinh mà cả bố mẹ. Cả xã hội phải chạy theo một cuộc thi", ông Cảnh chia sẻ.

Ông Trần Đức Cảnh trao đổi với học sinh,sinh viên trong một buổi hội thảo về du học Mỹ

Đào Ngọc Thạch

Vậy nên thay đổi như thế nào?
Ông Cảnh đề xuất là sau 5 năm tới, chương trình học THPT hiện nay nên chuyển hẳn sang học theo tín chỉ như đa số các nước. Có nghĩa là học sinh học môn nào thi (xong) môn nấy, đủ môn (gồm các môn bắt buộc và tự chọn), tín chỉ và điểm trung bình thì đương nhiên tốt nghiệp THPT. Tín chỉ là chuẩn của thế giới, giải quyết được rất nhiều vấn đề trong giáo dục. 

Học, kiểm tra liên tục chứ không "thi dồn"

Theo ông Cảnh, những ai từng trải nghiệm học và thi theo môn (tín chỉ) thì sẽ thấy nó hiệu quả hơn cách thi “dồn” ở THPT của ta hiện nay rất nhiều. Chẳng hạn, học kỳ môn lịch sử bậc THPT là 16 tuần. Thầy/cô có thể cho học sinh thi 7-10 lần theo chương trình môn (syllabus), các bài kiểm tra (quiz) ngắn 15-20 phút/lần, giữa kỳ (mid-term) và cuối kỳ (final), điểm chia theo tỷ lệ của các ký thi, ngoài ra có thể có các bài tập, viết và học nhóm ...
"Nếu quan sát chúng ta sẽ thấy học sinh, sinh viên ở Mỹ và các nước phát triển học và thi rất nhiều trong kỳ học. Chính vì học và thi liên tục nên không bị “áp lực dồn”, thường tiếp thu tốt hơn, không phải đối phó áp lực mỗi kỳ thi lớn như tốt nghiệp THPT mà thi xong là quên gần hết. Lúc này, học sinh ở tâm thế chủ động trong việc học, luôn tiếp thu tốt hơn là bị động (đối phó). Nhiều người chưa trải nghiệm điều này cho rằng như vậy học sinh sẽ không học. Nhưng không phải! Học sinh học nhiều hơn nhưng học theo hướng xong môn nào thi môn đó và thi liên tục. Cấu trúc như vậy xem học sinh cũng như người đi làm. Tư duy của chúng ta hiện nay không giống như vậy" - ông Cảnh cho biết. 

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020

Huy Đạt

Tuy nhiên, theo ông Trần Đức Cảnh, nếu chuyển sang hệ tín chỉ thì nội dung chương trình THPT hiện nay phải thay đổi. Cách dạy cách học cũng phải thay đổi. Ở các địa phương xa, chương trình chuyển qua tín chỉ có thể phải cấu trúc lại nội dung chương trình để đồng bộ, liên tục. Giáo viên cũng phải đào tạo lại. Nhưng điều này làm không khó. Với thời gian chuẩn bị 5 năm, hoàn toàn có thể làm được.
Ông Cảnh cũng cho rằng khi không có kỳ thi tốt nghiệp THPT thì để các trường ĐH xét tuyển, cần có cuộc thi cấp quốc gia, không phải để xét tốt nghiệp THPT mà để lấy điểm nộp vào ĐH (như kiểu thi SAT hay ACT của Mỹ). Thời gian thi chỉ cần 3 - 6 giờ (nếu tổ chức bài thi một cách khoa học), thi bằng máy tính và thời gian thi linh động. Thí sinh có thể tham gia các trung tâm tổ chức kỳ thi này ở nhiều thời điểm khác nhau
Dựa trên điểm của thí sinh nộp vào, các trường ĐH còn có thể kiểm tra chéo học bạ THPT của thí sinh để quyết định. Các trường ĐH lớn sẽ xét điểm cao hơn, khó hơn cũng như có thể tổ chức kỳ thi/kiểm tra riêng (theo ngành), thời gian thi khoảng 1-2 giờ là đủ. Các trường lớn nên giảm bớt “thi tuyển”, mà tư duy theo hướng xét năng lực trong việc “xét tuyển”. Điểm là một phần quan trọng nhưng không phải là tất cả (quan điểm xét tuyển Ứng viên vào Harvard điểm học thi chỉ nằm trong khoảng 60%+/-). Cần đánh giá khả năng tư duy, năng lực, động cơ, đam mê, năng khiếu và sự tổng hợp (holistics) đóng vai trò không nhỏ trong việc xét tuyển ĐH.
"Học là phải thi. Nhưng học và thi theo cách nào cho hiệu quả trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay thì còn cả một sự tranh luận. Nhưng sẽ có cách tối ưu hơn cách khác thì nên lựa chọn", ông Trần Đức Cảnh chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.