Gần 200 giáo viên 'đạt chuẩn' phải thi lại: Điều chỉnh, tạo điều kiện cho giáo viên

26/08/2016 19:31 GMT+7

Sở GD-ĐT Thừa Thiên-Huế cho biết đã có nhiều điều chỉnh trong việc tổ chức bồi dưỡng nâng chuẩn cho giáo viên ngoại ngữ thuộc 15% 'top trên' để tạo điều kiện cho giáo viên có được chứng chỉ có chất lượng quốc tế.

Chiều 26.8, Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên-Huế Phạm Văn Hùng đã có buổi làm việc với các trưởng phòng giáo dục các huyện, thị xã và TP.Huế, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc để thông tin, giải thích thêm về việc tổ chức bồi dưỡng để cấp chứng chỉ ngoại ngữ cho 15% giáo viên tiếng Anh trước đó đã qua khảo sát và được xác nhận đạt và vượt chuẩn.

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên-Huế, làm việc với các trưởng phòng giáo dục, trường trực thuộc - Ảnh: B.N.L

Ông Phạm Văn Hùng cho biết Ban giám đốc Sở GD-ĐT rất muốn cấp chứng chỉ cho số giáo viên thuộc diện 15% trên chuẩn qua các đợt khảo sát của năm 2010- 2011, nhưng điều này là không thể do Bộ GD-ĐT không cho phép. Theo văn bản của Bộ GD-ĐT quy định, chỉ có khảo sát do Bộ GD-ĐT tổ chức mới được phép cấp chứng chỉ.

Tại buổi làm việc ông Hùng cũng cho biết Sở GD-ĐT đã có điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện cho giáo viên thuộc đối tượng nêu trên được bồi dưỡng để thi và có chứng chỉ đạt chuẩn để bổ sung hồ sơ.

Cụ thể, cho phép giáo viên được lựa chọn ôn tập hoặc học để thi lấy chứng chỉ theo hướng đăng ký dưới chuẩn một bậc để học lên. Ví dụ như chuẩn hiện tại của giáo viên qua khảo sát là B2 (đối với THCS) thì có thể đăng ký học B1 để thi lấy chứng chỉ B1, sau khi có chứng chỉ B1 mới tiếp tục đăng ký học và thi để lấy chứng chỉ B2. Nếu giáo viên nào thấy mình đủ trình độ để học và thi ngay B2 thì vẫn được chấp nhận.

Ngoài ra, nếu giáo viên nào tự tin với trình độ của mình thì có thể đăng ký trên chuẩn để học và thi thì càng được hoan nghênh. Ví dụ, trình độ yêu cầu là B2 những có thể đăng ký để học và lấy chứng chỉ C1; hoặc giáo viên THPT nếu đủ trình độ có thể đăng ký học để thi lấy chứng chỉ C2. Kinh phí đăng ký học và thi cho cả hai cấp học đều được Sở GD-ĐT chi trả.

“Nhưng nếu thi không đạt thì phải tự bỏ tiền học và thi lại là lẽ đương nhiên”, ông Hùng nói.


Về thời gian ôn tập trước đây dự kiến là 48 tiết, nay Sở GD-ĐT sẽ điều chỉnh tăng lên khoảng 100 tiết, hơn gấp đôi để giáo viên có thời gian ôn tập.

Tại buổi làm việc, ông Hùng cũng khẳng định: “Các giáo viên trong thời gian bồi dưỡng để thi lấy chứng chỉ vẫn được bố trí giảng dạy, bố trí dạy các lớp thí điểm bình thường, sẽ không có ai sẽ phải rời bục giảng. Văn bản của Bộ GD-ĐT có nói chỉ khi nào giáo viên đã tham gia bồi dưỡng nhiều lần nhưng vẫn chưa đạt chuẩn mới bị chuyển sang làm công tác khác hoặc tinh giản biên chế”.

Về thắc mắc vì sao Trường ĐH Ngoại ngữ Huế là 1 trong 10 trường được Bộ GD-ĐT công nhận là cơ sở đào tạo đủ điều kiện để được tham gia rà soát năng lực ngoại ngữ giáo viên tiếng Anh và được cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN, nhưng Sở GD-ĐT không chọn, ông Hùng lý giải vì văn bản của Bộ GD-ĐT giao cho Sở GD-ĐT được quyền lựa chọn đối tác "độc lập với đơn vị đánh giá đầu vào, đánh giá đầu ra để đảm bảo tính khách quan và chất lượng bồi dưỡng".

“Giáo viên được các huyện trả lương, nhưng giám đốc sở chịu trách nhiệm về chất lượng dạy học. Thừa Thiên-Huế đã chọn khung năng lực châu Âu, nên chọn đối tác là Trung tâm Anh ngữ Quốc tế EUC (Cambridge-VN503) là hoàn toàn đúng. Giáo viên muốn học ở đâu phải đăng ký với hiệu trưởng, phòng giáo dục và thông qua sở GD-ĐT. Được đồng ý mới được chấp nhận. Tôi quản lý nhà nước về mặt chuyên môn nhưng không thể không nắm được giáo viên của mình học ở đâu và học như thế nào”, ông Hùng nói.


Ông Hùng yêu cầu lãnh đạo các phòng giáo dục, hiệu trưởng các trường trực thuộc, trong tuần tới phải làm công tác tư tưởng để giáo viên hiểu và đồng thuận với cách làm của Sở GD-ĐT.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.