Gặp cô gái 16 tuổi - công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2016

31/12/2016 15:01 GMT+7

16 tuổi, đi qua trên dưới 10 nước trên thế giới và sở hữu một bảng thành tích ấn tượng về lĩnh vực âm nhạc, Bùi Vũ Nguyệt Minh đã trở thành Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2016 .

“Với danh hiệu này, em sẽ có điều kiện để truyền cảm hứng về nghệ thuật tới với giới trẻ”, Nguyệt Minh chia sẻ.

Âm nhạc kết nối con người với nhau

Sinh ra trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật nhưng Nguyệt Minh (học sinh lớp 8/9, Nhạc viện TP.HCM) đã sớm bộc lộ năng khiếu với đàn piano. Năm 11 tuổi Nguyệt Minh tham gia Festival âm nhạc tại Hàn Quốc đoạt giải vàng. Năm 12 tuổi Nguyệt Minh tiếp tục tham gia cuộc thi Quốc tế tài năng trẻ Steinway International Youth Piano Competition - lễ hội âm nhạc đỉnh cao dành cho các nghệ sĩ trẻ trên toàn thế giới, được tổ chức định kỳ hai năm một lần nhằm mục đích tạo sân chơi ý nghĩa cho các tài năng piano độ tuổi từ 6 - 17 trên khắp các châu lục. Tại cuộc thi này, Nguyệt Minh lọt vào chung kết và đoạt giải nhì. Sau đó, Minh dành nhiều thời gian để nghiên cứu về âm nhạc và đi lưu diễn ở nhiều nước trên thế giới.
Từ năm 2016, Nguyệt Minh tiếp tục tham gia một số cuộc thi âm nhạc. Tháng 12.2016, Nguyệt Minh giành giải 3 cuộc thi VIII International Isidor Bajic Piano Memorial Competition và giành giải 3. Đặc biệt, từ những đóng góp đó, Nguyệt Minh được bầu chọn là Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2016.

tin liên quan

Cậu bé vàng ước được thưởng 'một đêm ngủ cùng mẹ'
Tô Huỳnh Phúc (11 tuổi) là ứng viên nhỏ nhất trong danh sách công dân điển hình tiêu biểu trong cuộc bầu chọn Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2016. 'Em chỉ ước được thưởng một đêm ngủ cùng mẹ', Phúc chia sẻ.

“Em nghĩ đây là một phần thưởng rất lớn, cũng là một niềm vinh dự. Đồng thời cũng là trách nhiệm đối với bản thân em. Với vai trò là một nghệ sĩ trẻ, em mong muốn qua những bài biểu diễn em sẽ truyền cảm hứng, động viên, tạo động lực cho người khác. Đặc biệt, em muốn mọi người sẽ nhìn nhận nghệ thuật, cụ thể hơn là âm nhạc khác đi một chút. Âm nhạc không chỉ là giải trí mà đích đến cuối cùng là hướng tới phát triển cộng đồng”, Nguyệt Minh chia sẻ.
Để thực hiện mong muốn này, Nguyệt Minh cùng với GS-TS Tom Zelle (quốc tịch Đức) đang thực hiện dự án “Âm nhạc vì sự phát triển xã hội và giá trị nhân văn”. Đây là dự án phát triển âm nhạc ở những vùng nghèo, khó khăn.

tin liên quan

Cậu bé 12 tuổi sáng chế máy hút bụi
Máy hút bụi mini, máy gọt bút chì… là những vật dụng gắn liền với cuộc sống được em Công Chí Thịnh (12 tuổi, học sinh Trường THCS Đông Bình, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ) đã sáng tạo thành công.

“Theo em thấy thì không ai khi chơi nhạc mà trở nên bạo lực cả, âm nhạc có thể kết nối con người với nhau, chữa lành những trái tim tan vỡ thậm chí khi tư duy của một đứa trẻ được phát triển cùng với âm nhạc thì thành tích về học tập cũng rất tốt”, Minh chia sẻ.
Nguyệt Minh say sưa đàn tại nhac viện Ảnh: Trung Dung

Muốn đưa âm nhạc đến trẻ em

Nguyệt Minh nói thêm: “Một thực tế là chúng ta đang đào tạo ra rất nhiều nghệ sĩ nhưng lại không đào tạo khán giả. Tức là người nghệ sĩ đàn nhưng người nghe lại cho rằng đó là thú vui huyễn hoặc, xa hoa. Họ muốn nghe những gì gần hơn với đời sống nhưng theo em âm nhạc thuộc về tất cả mọi người chứ không thuộc sở hữu của một giới nào cả. Vì vậy, em đã thử làm 2 buổi thuyết trình giao lưu để nói về âm nhạc và tháng 8.2017 em sẽ phát triển rộng hơn. Em muốn đưa âm nhạc tới với đối tượng đầu tiên là trẻ em. Không nhất thiết phải biến các em thành nghệ sĩ mà chỉ cần để các em hiểu về âm nhạc. Để thực hiện dự án này em sẽ đi từng bước nhỏ từ việc giáo dục thói quen nghe nhạc cho những người thân sau đó mở rộng và lan tỏa tới cộng đồng”.
Nguyệt Minh cho biết bạn sẵn sàng kết hợp với những nhóm nhạc, những nghệ sĩ tâm huyết để thực hiện dự án này.

Học nhạc lúc nửa đêm

Để có thể vừa học nhạc vừa hoàn thành chương trình văn hóa, Nguyệt Minh đã xin nghỉ học ở trường quốc tế để theo học ở Trung tâm GDTX Quận.10. “Thời gian học của em khá dày. Sáng từ 8 giờ 30 tới 11 giờ 30 em học ở Nhạc viện, buổi trưa và chiều thì luyện đàn, làm thêm một số dự án âm nhạc. Tối từ 18 - 21 giờ 45 em theo học tại Trung tâm GDTX Quận 10. Đặc biệt từ 22 giờ em học nhạc cùng GS-TS Tạ Quang Đông. Những ngày thi, hai thầy trò có thể học tới hơn 1 giờ sang. Em khá thích khung giờ này vì khi học xong trên đường từ trường về nhà em thấy chỉ có mình với âm nhạc sau đó chìm vào giấc ngủ cùng với âm nhạc. Điều đó giúp em cảm nhận về âm nhạc trọn vẹn hơn”.
Nguyệt Minh cũng dành thời gian để tự học tiếng Anh. “Em thường tự luyện tiếng Anh bằng cách xem phim và dán phụ đề. Đôi khi em còn học thuộc lời thoại và độc diễn lại bộ phim trong vai tất cả các diễn viên để luyện tiếng Anh tốt hơn”, Nguyệt Minh chia sẻ.

PGS-TS Tạ Quang Đông, thầy dạy Nguyệt Minh và là Giám đốc Nhạc viện TP.HCM chia sẻ: “Nguyệt Minh là một cô bé mạnh dạn trong giao tiếp cũng như khi đứng trên sân khấu. Vừa rồi Minh tiếp tục đoạt giải 3 cuộc thi VIII International Isidor Bajic Piano Memorial Competition là thành tích đáng mừng vì ở độ tuổi 16 thể lực và tâm lý của học trò VN có nhiều thay đổi, số lượng người đoạt giải này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đặc biệt, việc đạt danh hiệu công dân trẻ tiêu biểu năm 2016 sẽ là một dấu mốc quan trọng với Nguyệt Minh. Theo tôi đây là một giải thưởng uy tín giúp khuyến khích Nguyệt Minh trong những hoạt động nghệ thuật sắp tới”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.