Giáo dục Thụy Sĩ tự hào về đào tạo thanh niên lành nghề

Thục Minh
Thục Minh
29/10/2018 08:27 GMT+7

Bằng mô hình đào tạo kép vừa học văn hóa vừa thực hành nghề, ngành giáo dục Thụy Sĩ trang bị cho giới trẻ chiếc 'chìa khóa vàng' để vào đời.

Mặc dù có nhiều trường tốt, đặc biệt 2 đại học (ĐH) bách khoa liên bang lâu đời có thể sánh vai cùng các trường hàng đầu của Anh hay Mỹ về nghiên cứu, ngành giáo dục Thụy Sĩ lại tự hào nhiều hơn về việc đào tạo ra những thanh niên lành nghề.
Ở bậc sau THPT, quốc gia 8,5 triệu dân này có 12 ĐH tổng hợp (gồm cả 2 ĐH bách khoa liên bang) thiên về nghiên cứu cơ bản, và 8 ĐH thực nghiệm được thành lập hồi thập niên 1990 với sứ mệnh nghiên cứu ứng dụng, phục vụ trị trường và kinh tế. Chính hệ thống trường nghề và ĐH thực nghiệm kết hợp chặt chẽ với hội doanh nghiệp trong đào tạo là điểm độc đáo của nền giáo dục Thụy Sĩ, “tạo ra lợi thế cạnh tranh kinh tế trên trường quốc tế”, chính phủ nước này nhìn nhận.
Có lẽ xem giáo dục và kinh tế không thể tách rời, Thụy Sĩ gom hai mảng này vào cùng một bộ: Bộ Kinh tế, Đào tạo và Nghiên cứu (DEFR).
Hơn 70% người trẻ chọn học nghề

Sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cơ sở bắt buộc ở tuổi 15 - 16, học sinh (HS) Thụy Sĩ có 2 lựa chọn cho con đường học vấn và nghề nghiệp tương lai: học tiếp chương trình phổ thông trung học 3 năm lấy bằng “tú tài” rồi vào ĐH tổng hợp; hoặc đi vào các trường dạy nghề để lấy chứng chỉ nghề liên bang (CFC) và kết hợp học văn hóa để lấy tấm bằng trung học nghề (MP). Thời gian hoàn tất MP khoảng 4 năm.
“So với HS tốt nghiệp tú tài, học viên tốt nghiệp trường nghề chỉ “già” hơn một chút, nhưng tấm bằng MP cho phép họ mở cửa hàng hành nghề, đi làm công, hoặc vào thẳng bất kỳ trường ĐH nào”, bà Sabrina Zahar, chuyên gia đào tạo nhân sự và hướng nghiệp, cho biết.
Dù được biết là giàu có với thu nhập bình quân đầu người trong nhóm cao nhất thế giới, chi phí ăn học vẫn là bài toán lớn đối với người Thụy Sĩ. “Tuy giáo dục ở Thụy Sĩ là miễn phí (hoặc chỉ đóng lệ phí tượng trưng 600 CHF (14 triệu đồng)/học kỳ ở bậc đại học - NV) cho đến 25 tuổi, học viên nghề có lương coi như bớt được gánh nặng tiền cơm, áo, đi lại... cho gia đình. Vậy nên, thường là con em các gia đình khá giả hoặc có truyền thống khoa bảng mới chọn con đường học thuật”, ông Jean-Pierre Marquis chia sẻ.
Bản thân ông Marquis và 2 người anh em đều “tự nuôi thân” từ tuổi 15 - 16 nhờ trường nghề, về sau học tiếp cử nhân, thạc sĩ ở nhiều chuyên môn khác. Mức lương học viên nghề hiện dao động 600 - 1.000 CHF/tháng, tùy thâm niên, địa phương.
Nhờ được thực hành khoảng 60% thời gian ngay tại các cơ sở kinh tế dưới sự hướng dẫn của giáo viên tại chỗ, học viên nghề nắm bắt được kỹ năng và nghiệp vụ thực tế, dần quen việc, quen người nên khi học xong, đa số được công ty nhận ở lại làm việc. Số còn lại mang theo kiến thức thực tiễn vào thị trường lao động nên cũng dễ được các doanh nghiệp khác tuyển ngay, trong khi sinh viên tốt nghiệp ĐH tổng hợp thường mất thời gian tìm việc lâu hơn. Lý giải thêm về điều này, một nhà tuyển dụng không muốn nêu tên cho biết: “Tại sao chúng tôi phải trả lương cao hơn cho một cử nhân nhiều tuổi nhưng thiếu kinh nghiệm làm việc so với một người tốt nghiệp trung học nghề?”.
Theo báo cáo năm 2014 của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Thụy Sĩ có tỷ lệ thanh niên dưới 25 tuổi vào ĐH tổng hợp thấp nhất trong số 34 quốc gia thành viên, chỉ khoảng 28%. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động (25 - 65 tuổi) ở nhóm có bằng ĐH trở lên và nhóm chỉ có bằng trên bậc phổ thông cơ sở của Thụy Sĩ đều là 3%, và thấp hơn nhiều so với con số trung bình của toàn khối lần lượt là 5% và 9%.
Thợ điện thành giáo sư
Khác với nhiều nước coi ĐH là con đường duy nhất để thành đạt, ở Thụy Sĩ, người đi học nghề cũng có cơ hội và được trọng vọng như người theo con đường khoa bảng.
Có được điều này là nhờ chất lượng đào tạo nghề theo mô hình kép của Thụy Sĩ được đánh giá tốt nhất thế giới, sát thực tiễn, xuất phát và phục vụ trực tiếp nhu cầu của doanh nghiệp, khác với kiểu dạy nghề trên lý thuyết ở nhiều nước. Câu chuyện về Tổng giám đốc Ngân hàng UBS lớn nhất Thụy Sĩ, Sergio Ermotti, là một ví dụ đầy thuyết phục. Ông Ermotti, 58 tuổi, bắt đầu sự nghiệp bằng việc học nghề tại một ngân hàng địa phương thuộc tiểu bang “vùng sâu vùng xa” Ticcino ở tuổi 18. Dù chưa từng bước chân vào ĐH, doanh nhân này đã nắm qua một loạt vị trí quan trọng trong nhiều ngân hàng lớn của thế giới và sau cùng là CEO của UBS với tài sản gần 1.000 tỉ USD từ năm 2011.
Nếu muốn học cao hơn để thăng tiến nhanh trong nghề nghiệp, ở bất kỳ thời điểm nào, người có bằng MP ở Thụy Sĩ đều có thể đi ngay vào các ĐH thực nghiệm. Ở đó, họ có thể lấy bằng cử nhân và thạc sĩ, thậm chí chuyển sang ĐH tổng hợp làm nghiên cứu sinh tiến sĩ và xa hơn. Tóm lại, dù xuất thân học nghề, nếu có nguyện vọng và nỗ lực, mọi học hàm, học vị họ đều có thể đạt được. Nói như Giáo sư Michael Hengartner, Hiệu trưởng ĐH Zurich: “Một anh thợ điện hoàn toàn có thể trở thành giáo sư kỹ thuật điện”. (còn tiếp)
Doanh nghiệp cùng hưởng lợi
Doanh nghiệp tại Thụy Sĩ bất kể quy mô và ngành nghề nào đều có thể tham gia nhận học viên nghề có trả lương. Họ làm vậy không chỉ vì muốn tôn trọng tập quán đào tạo của quốc gia này mà tính cho cùng, đó là sự đầu tư có ngay lợi nhuận. Theo báo cáo của DEFR, năm 2009, khối doanh nghiệp đã chi 5,35 tỉ CHF (5,4 tỉ USD) vào lĩnh vực đào tạo nghề, tức khoảng 60% tổng chi phí. Đổi lại, tổng giá trị sản phẩm quy đổi do học viên thực hiện trong cùng thời gian đạt tới 5,8 tỉ CHF. “Trung bình, 2/3 số doanh nghiệp tham gia thu được lợi nhuận ngay trong thời gian đào tạo”, báo cáo cho biết. Mặt khác, phần lớn học viên nghề sau khi tốt nghiệp được giữ lại làm việc, tiết kiệm cho doanh nghiệp một khoản đáng kể cho khâu tuyển dụng và huấn luyện ban đầu.

(từ Thụy Sĩ)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.