Giáo viên đi học... trải nghiệm

Bích Thanh
Bích Thanh
06/04/2019 08:50 GMT+7

Để tổ chức cho học sinh một tiết học trải nghiệm thì giáo viên không thể cứ hết giờ dạy là về nhà.

Mới đây, gần 50 giáo viên (GV) Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) đã đóng vai học trò tham gia tiết học trải nghiệm tại Dinh Thống Nhất.

Tham gia chuyên đề Học lịch sử tại Dinh Thống Nhất theo hướng trải nghiệm và tích hợp liên môn, các GV đã trải nghiệm hành trình đi xe điện từ Thảo Cầm Viên đến Dinh Thống Nhất, tìm hiểu thêm về lịch sử, kiến trúc của TP...
Bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, nói đây chính là dịp để GV hình dung rõ hơn về sự trải nghiệm trong môn học từ ở phía học sinh (HS) của mình. Từ đó nhìn ra hạn chế và thấy được điểm mạnh để xây dựng những chuyên đề gần gũi, thiết thực cho HS.
Còn bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (Q.1), cho rằng trong mọi hoạt động của nhà trường, GV là nòng cốt và tác động đến học trò. Do vậy, mới đây, GV các tổ bộ môn của trường đã tham gia lớp tập huấn với chuyên gia về tổ chức tiết học theo dự án, các phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiện đại. Hiệu trưởng trường này cho rằng với định hướng giáo dục theo hướng trải nghiệm, vận dụng kiến thức vào thực tiễn thì GV không thể cứ giảng dạy, thực hiện các hoạt động, công việc theo kiểu truyền thống mà phải tổ chức tiết học vui vẻ, nhẹ nhàng, kiến thức kết hợp với thực tế.
GV Trần Thị Quỳnh Anh (Trường THPT Trưng Vương, Q.1) cũng cho rằng trải nghiệm là cần thiết để có thể truyền đạt kiến thức cho học trò.
Về việc dạy và học trải nghiệm trong nhà trường hiện nay, ông Trần Trọng Khiêm, Phó phòng Giáo dục Q.Tân Phú, thẳng thắn đặt vấn đề: “Dạy HS học trải nghiệm nhưng GV đã trải nghiệm chưa? Trải nghiệm là các hoạt động phải sống thật. Người thầy phải biết làm, có kỹ năng, có kiến thức, biết phán đoán, đánh giá chứ không chỉ biết nói suông”.
Ở góc độ chuyên gia nghiên cứu về phương pháp giảng dạy và phương thức tổ chức tiết học, bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft, đưa ra khuyến nghị học tập dựa trên thực tiễn là phương pháp học tập khoa học, tạo hứng thú cho HS. “GV nếu cứ giậm chân tại chỗ, dạy theo kiểu “nhai lại” sẽ bị đào thải vì HS hiện nay được phép học một cách chủ động, có quyền lựa chọn GV phù hợp”, bà Quyên nhấn mạnh.
Đã có nhiều hiệu trưởng nhìn nhận ra vấn đề này và đồng tình rằng để dạy HS trải nghiệm thì GV cũng phải trải nghiệm mới có kiến thức truyền đạt cho đúng, cho đủ. Chứ không thể nói khơi khơi, hướng đến mục tiêu dạy cho HS trải nghiệm mà cô thì cứ sáng đến trường, hết giờ thì về nhà...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.