Giáo viên mở nhạc thiền để... chấm bài môn văn !

21/10/2019 09:01 GMT+7

Trên mạng xã hội trước đây có chia sẻ câu chuyện giáo viên (GV) mở nhạc thiền để chấm bài học trò được nhiều giáo viên quan tâm, cười thích thú. Song ngẫm lại thấy bùi ngùi, chua chát làm sao.

Một cô giáo dạy văn tâm sự rằng mỗi lần cô chấm bài là phải ngồi vào góc thanh tịnh lúc đêm khuya khi mọi người ngủ hết, không ai làm phiền và phải mở nhạc thiền lên để… vị tha cho sự ngây ngô của những bài làm học trò. Lời chia sẻ khá hài hước này có phần đúng với thực tế của nhiều GV chấm bài môn văn hiện nay. Bởi vì, như người xưa nói “tuyển thi như tuyển sắc” (tuyển thơ hay khó như tuyển sắc đẹp), đọc văn học trò ngày nay cả vạn bài mới thi thoảng có vài bài hay. Tình hình ấy khiến cho việc chấm bài của GV trở nên nặng nề, ngán ngẩm, mất hết hứng thú.
Viết văn là để GV chấm đọc bài, cho điểm nhưng rất nhiều bài viết của trò như… thách thức người đọc vì chữ viết quá kém, cầu thả. Có GV nói vui rằng lấy kính hiển vi soi cũng không thể đọc ra đó là chữ gì. Bài làm của học sinh (HS) thường dùng từ thiếu lựa chọn, hiếm lắm mới có vài từ dùng hay. Viết câu thì què cụt, hy hữu mới gặp những câu văn dài, nhiều vế, thể hiện tư duy lập luận chặt chẽ của người viết. Viết tắt vô tội vạ, sai chính tả và quy tắc ngữ pháp tiếng Việt trầm trọng. Đây là hậu quả của việc lười viết, lười trau chuốt và ảnh hưởng xấu từ các trang mạng xã hội.
Một số HS bị “nhập tâm” bởi tiểu thuyết ngôn tình nên đã đem sự tưởng tượng, lời lẽ, văn phong của cách viết ấy vào trong bài làm. Chẳng hạn, với văn tự sự ở lớp 10, khi yêu cầu tưởng tượng để kể lại một số truyện dân gian, nhiều HS đã “sáng tạo” bằng cách đem cả “chất tình cảm lãng mạn, ướt át” của tiểu thuyết ngôn tình vào bài viết, làm mất hết cả “chất” truyện dân gian. Chấm bài kiểm tra giữa học kỳ 1 của lớp 12 vừa qua, nhiều GV rất bất ngờ trước sự suy diễn quá sai lệch của HS: Cảnh chia tay của cán bộ cách mạng về xuôi với đồng bào Việt Bắc trong bài thơ Việt Bắc (Tố Hữu) được HS phân tích say sưa thành cảnh chia tay đắm đuối, thắm thiết của tình yêu đôi lứa (!?).
Một trong những yêu cầu đầu tiên của văn bản đọc hiểu là phải có tính định hướng giáo dục. Khi soạn các câu hỏi, GV cũng hướng đến việc bồi đắp giá trị nhân bản, nhân văn cho HS. Tuy nhiên, điều này đã bị một số HS “thô tục hóa” trong cách nhận thức, hiểu lệch lạc giá trị tư tưởng của tác giả. Chẳng hạn mới đây, khi đề đọc hiểu của lớp 12 cho một đoạn trích trong tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai (tác giả Colleen McCullough) rất ý nghĩa, nói về việc chú chim đã đánh đổi cả tính mạng, hót một lần trong đời thật hay rồi chết, để từ đó rút ra thông điệp “những gì tốt đẹp nhất phải trả giá bằng nỗi đau”, đã được một học trò đặt nhan đề là: “Con chim ngu ngốc” (!?).
Việc dạy học văn hiện nay sẽ còn rất nhiều chuyện để bàn. Câu chuyện cô giáo chấm văn phải mở nhạc thiền để chấm bài HS và một số lỗi bài làm HS ở trên chỉ là những “chấm phá” trong bức tranh tổng thể chẳng mấy “sáng sủa” của việc dạy và học văn hiện nay. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.