Hôm nay, 16.10, Viện Toán học - Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam (thường được gọi là Viện Toán học Việt Nam), tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Tham dự lễ kỷ niệm có đông đảo các thế hệ nhà toán học tên tuổi trong nước, cùng sự góp mặt của 2 nhà toán học xuất sắc ở tầm thế giới của Việt Nam là GS Ngô Bảo Châu và GS Vũ Hà Văn.
Phát biểu tại buổi lễ, GS Ngô Bảo Châu cho biết, so với các nước thì toán học Việt Nam còn khá non trẻ, nếu tính từ bài báo đầu tiên của GS Lê Văn Thiêm được công bố vào năm 1947. Tuy nhiên, toán học Việt Nam bắt đầu tạo dấu ấn về nghiên cứu toán học kể từ ngày có Viện Toán học Việt Nam (năm 1970).
Theo GS Ngô Bảo Châu, trước đây, khi nghĩ về toán học Việt Nam, người ta thường nghĩ về Viện Toán học Việt Nam. Bây giờ, Viện Toán học Việt Nam không còn là đại diện duy nhất cho nền toán học Việt Nam nữa, vì chúng ta đã có nhiều trường đại học mà ở đó hoạt động nghiên cứu toán học có sự tiến bộ đáng kể, cả về số lượng cũng như chất lượng. “Tuy nhiên, có được mạng lưới đó cũng là nhờ các nhà giáo được đào tạo từ Viện Toán học Việt Nam, tôi hy vọng trong tương lai Viện vẫn giữ được vai trò đầu tàu đó”, GS Ngô Bảo Châu nói.
GS Ngô Bảo Châu còn cho biết, trong suốt 25 năm qua (từ năm 1995), mỗi khi về Việt Nam, ông lại được các thầy và các đồng nghiệp mời đến báo cáo và giảng dạy ở Viện Toán học Việt Nam. Vì điều đó, ông luôn có cảm giác mình là một thành viên hữu cơ của cộng đồng toán Việt Nam.
“Đó cũng là lý do khiến tôi có kế hoạch quay lại Việt Nam làm việc một cách lâu dài, tham gia lãnh đạo Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (Viasm)”, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ và chúc Viện Toán học Việt Nam luôn là tấm gương mẫu mực trong chất lượng nghiên cứu khoa học cũng như sự nghiêm cẩn trong nghiên cứu khoa học; duy trì sứ mệnh phụng sự cho nền khoa học, phụng sự cho xã hội, cho cộng đồng, cho nền giáo dục đại học Việt Nam nói chung.
Kính trọng, ngưỡng mộ, yêu mến các nhà toán học Việt Nam
Có mặt tại buổi lễ, TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN (giai đoạn 2011 - 2016), cho biết, đối với các nhà toán học Việt Nam, ông chỉ có thể bày tỏ tình cảm cá nhân của mình bằng 3 cụm từ: kính trọng, ngưỡng mộ, yêu mến. Ông cho biết, ba sắc thái tình cảm của ông có lẽ xuất phát từ ba đặc tính quan trọng của người làm toán mà ông cảm nhận được từ nhỏ (qua các thầy dạy toán, sau này là qua các nhà toán học mà ông được tiếp xúc) là logic, minh bạch, lãng mạn.
|
TS Nguyễn Quân cho rằng, với tư cách là một người từng tham gia xây dựng chính sách phát triển nền khoa học công nghệ, ông tự hào bởi với riêng ngành toán thì chúng ta có thể sánh vai với thế giới. “Vị thế đó không chỉ nhờ chúng ta có các tên tuổi như GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn... mà bởi hơn 3.500 công bố quốc tế của Viện Toán học trong 50 năm qua cùng với nhiều nhà toán học tài năng của chúng ta. Niềm tự hào này được đặt trong bối cảnh là các ngành khác của chúng ta vẫn đang khó khăn và còn phải cố gắng rất nhiều”, TS Nguyễn Quân giải thích.
TS Nguyễn Quân cũng chia sẻ những trăn trở của cá nhân ông về những đóng góp của cơ quan hoạch định chính sách trong nhiệm vụ phát triển nền khoa học cộng nghệ nước nhà. Khi còn đương chức, điều ông tâm huyết là làm thế nào để tạo điều kiện cho những người làm việc trong lĩnh vực khoa học có thể sống được bằng lao động sáng tạo của mình, cùng với việc phát triển nghiên cứu khoa học cơ bản để tạo nền tảng cho nền khoa học công nghệ nước nhà.
Kết quả là nghiên cứu khoa học cơ bản đã được Đảng và Nhà nước coi trọng, được thể chế hóa trong luật và các văn bản dưới luật. Còn việc “tạo điều kiện” cho các nhà khoa học nói chung (không chỉ các nhà nghiên cứu khoa học cơ bản) thì các nhà khoa học vẫn phải chịu thiệt thòi chung, nhưng đã được tạo điều kiện làm việc tốt nhất. Ví dụ, Bộ KHCN thành lập Quỹ Phát triển khoa học công nghệ quốc gia Nafosted, rồi thành lập Giải thưởng Tạ Quang Bửu, một giải thưởng cấp Bộ nhưng mức thưởng tương đương vời Giải thưởng Hồ Chí Minh (là giải thưởng cấp quốc gia. “Điều đó nói lên sự tôn trọng, sự ngưỡng mộ của chúng tôi, những người làm quản lý đối với các nhà nghiên cứu khoa học”, TS Nguyễn Quân tâm sự.
TS Nguyễn Quân cũng cho biết, dù Bộ KH-CN đã tham mưu với Chính phủ ban hành các nghị định trong đó mở ra cơ chế tài chính đối với nghiên cứu khoa học, có chính sách trọng dụng cán bộ khoa học. “Rất tiếc là những chính sách này chưa vào được cuộc sống. Đây chính là điều mà cá nhân tôi thấy nuối tiếc”, TS Nguyễn Quân nói.
Ước mơ cho 50 năm tớiBáo cáo về lịch sử 50 năm thành lập, GS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, cho biết trong 50 năm qua, các thành tựu mà Viện đạt được là nhờ các thế hệ cán bộ và lãnh đạo, nhưng những người đặt nền móng vững chãi cho “ngôi nhà Viện Toán” hôm nay là các GS Lê Văn Thiêm, GS Hoàng Tụy, nhờ quan điểm tuyển chọn, đánh giá cán bộ là chỉ dựa vào tiêu chí “giỏi” .
GS Phùng Hồ Hải chia sẻ: “Sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi đến thăm viện đã để lại lưu bút, trong đó có nội dung đề nghị các cán bộ viện nghĩ tới việc xây dựng một trường phái toán học Việt Nam. Đấy là ước vọng vô cùng lớn lao không chỉ của Viện Toán học mà của cả cộng đồng toán học Việt Nam, nên đó sẽ là mục tiêu mà chúng ta cần hướng tới trong 50 năm tới, mặc dù để đạt được điều đó có thể 50 năm không đủ mà cần hơn thế. Vì thế, Viện Toán học Việt Nam lấy mục tiêu đó là kim chỉ nam để xác định nhiệm vụ của mình, là nghiên cứu xuất sắc và đào tạo xuất sắc, để trở thành viện nghiên cứu có đẳng cấp quốc tế”.
|
Bình luận (0)