Dồn lịch thi 4 môn trong 2 buổi
Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết để có căn cứ quyết định lựa chọn thời gian làm bài cho học sinh (HS) thi vào lớp 10, Sở đề nghị lãnh đạo các trường thăm dò ý kiến của giáo viên dạy lớp 9, HS và cha mẹ HS có con thi vào lớp 10 với 2 phương án.
Phương án 1: Thi các môn để tuyển sinh THPT không chuyên trong 2 buổi sáng. Buổi sáng thứ nhất thi môn ngữ văn (thời gian làm bài 90 phút) và môn ngoại ngữ (45 phút); buổi sáng thứ 2 thi môn toán (90 phút) và môn lịch sử (45 phút). Các buổi chiều sẽ tiến hành thi ngay môn chuyên.
Phương án 2: Lịch thi THPT không chuyên cũng sẽ tổ chức trong 2 buổi sáng, tuy nhiên thời gian làm bài của từng môn vẫn giữ như kế hoạch. Cụ thể, buổi sáng ngày thứ nhất thi ngữ văn (120 phút) và ngoại ngữ (60 phút); buổi sáng thứ 2 thi toán (120 phút) và môn lịch sử (60 phút). Các buổi chiều cũng sẽ thi môn chuyên.
Theo lịch thi đã công bố trước đó, thời gian thi 4 môn tuyển sinh THPT không chuyên sẽ diễn ra trong 2 ngày (10 và 11.6) với 3 buổi thi. Buổi sáng 10.6 thi môn ngữ văn, buổi chiều thi môn toán. Buổi sáng ngày 11.6 thi 2 môn: ngoại ngữ và lịch sử; từ chiều 11.6 TS làm bài thi các môn chuyên đến hết ngày 12.6.
Như vậy, với cả 2 phương án mới này thì thời gian thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ chỉ gói gọn trong 2 ngày, thay vì 3 ngày như kế hoạch ban đầu.
Phụ huynh, học sinh chọn phương án 2
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Phạm Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT Hà Đông, cho biết 19/23 trường THCS của quận này chọn phương án 2, nghĩa là vẫn giữ nguyên thời gian làm bài thi của các môn như kế hoạch mà sở đã công bố. Chỉ có 4 trường THCS chọn phương án 1. Bà Hằng lý giải báo cáo từ các trường cho thấy HS và phụ huynh chọn phương án 2 vì lâu nay đã ôn thi, làm quen với dạng đề với cấu trúc và thời gian mà Sở công bố nên có tâm lý lo ngại nếu thời gian rút ngắn, cấu trúc đề thi thay đổi sẽ khiến các em bị bất ngờ khi làm bài thi.
|
Tuy nhiên, bà Hằng cũng chia sẻ thêm, cá nhân bà nếu được chọn sẽ chọn phương án 1 vì dồn lịch thi vào 2 buổi sáng thay vì 3 buổi như trước thì việc giảm thời gian thi là rất cần thiết để HS không quá áp lực. “Tôi tin Sở GD-ĐT sẽ có tính toán ra đề phù hợp khi thời gian thi rút ngắn nên khó khăn cho HS sẽ không xảy ra”, bà Hằng nói.
Bà Vương Hương Giang, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hoàn Kiếm, cho biết đa số (khoảng 3/5) trường THCS trên địa bàn quận cũng chọn phương án 2. Trên các diễn đàn dành cho HS, phụ huynh HS, nhiều ý kiến cũng tỏ ra lo ngại các con đang ôn thi theo kiểu luyện đề với thời gian cụ thể môn toán, ngữ văn trong 120 phút, môn ngoại ngữ, lịch sử là 60 phút nên nếu rút xuống còn 90 phút và 45 phút thì cấu trúc đề thi thay đổi và HS sẽ lúng túng.
Giáo viên muốn rút ngắn thời gian thi
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, cho biết 100% giáo viên trường ông chọn phương án 1, giảm thời gian làm bài thi của từng môn. Ông Khang cho rằng nếu không giảm thời gian thi từng môn thì nên giữ nguyên lịch thi cũ chứ không nên dồn lại thành 2 buổi thi mà thời gian làm bài từng môn vẫn kéo dài. 4 môn thi trong 2 buổi sáng sẽ rất áp lực nếu HS phải thi liên tục hơn 3 giờ đồng hồ.
Một giáo viên Trường THCS Chu Văn An (Q.Tây Hồ) cũng cho rằng nếu trong 1 buổi mà phải làm 2 môn thi, 1 môn 120 phút, 1 môn 60 phút thì HS sẽ không thể “tải nổi”, vì đây là kỳ thi tuyển sinh, bản thân nó đã rất căng thẳng về tính cạnh tranh. Nếu rút xuống thời gian 1 môn 90 phút, 1 môn 45 phút thì sẽ phù hợp hơn, gần với bài kiểm tra 2 tiết và 1 tiết mà HS vẫn thường làm.
Đề thi sẽ phù hợp với thời gian thi
Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết việc điều chỉnh này nhằm giảm áp lực cho thí sinh trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Nếu thi 2 buổi sáng, thay vì thi liền trong 1 ngày rưỡi, HS sẽ có thời gian nghỉ ngơi và các điểm thi cũng có thời gian chuẩn bị các điều kiện phòng ngừa dịch bệnh như vệ sinh, khử khuẩn sau mỗi buổi thi. Tuy nhiên, khi dồn 4 môn thi vào 2 buổi thay vì 3 buổi, thì việc giảm thời gian làm bài của từng môn là phù hợp.
Về việc làm đề thi, nếu thời gian thi của từng môn giảm xuống thì chắc chắn ban đề thi cũng phải tính toán ma trận đề phù hợp với thời gian thi cụ thể của từng môn để đảm bảo tính khoa học, chuẩn mực trong làm đề thi.
|
Hơn 100 học sinh “có F”, vẫn giữ lịch thi cũ
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP, Sở đã chuẩn bị tích cực cho tuyển sinh vào lớp 10. Đến nay, đã rà soát toàn ngành có 6 ca F0, 109 trường hợp F1 và 1.242 trường hợp F2. Trong đó, có 11 F1, 133 F2 là HS lớp 9 chuẩn bị thi. Dự kiến sẽ có 93.362 thí sinh dự thi vào lớp 10; Hà Nội sẽ tổ chức 4.500 phòng thi ở 190 điểm thi và Sở sẽ huy động hơn 12.000 cán bộ phục vụ thi. Sở cũng đã họp chuẩn bị điều kiện tốt nhất để phục vụ thi và đang phối hợp cùng Sở Y tế để có hướng dẫn cụ thể chi tiết đến từng cán bộ coi thi, địa điểm thi về công tác chuẩn bị trước, trong và sau kỳ thi…
Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết Thường trực Thành ủy đã cho ý kiến nếu từ nay đến 10.6 tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt như hiện nay thì sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi với tinh thần đảm bảo an toàn phòng dịch là yêu cầu cao nhất.
|
Bình luận