Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), Bộ chỉ cung ứng, còn trường phải chịu trách nhiệm về nội dung trên văn bằng và việc cấp phát văn bằng. Nhưng điều này lại mâu thuẫn với quy định hiện hành về quản lý đào tạo văn bằng 2.
Trường ĐH Đông Đô có phải là hiện tượng cá biệt ?
Từ nhiều năm nay, chỉ cần gõ từ khóa “học tiếng Anh văn bằng 2”, thì trên các trang tìm kiếm sẽ cung cấp rất nhiều đường dẫn tới hoặc các trang chính thức của các trường đại học (ĐH), hoặc các cơ sở trung gian. Bên cạnh những trường có truyền thống về đào tạo ngoại ngữ hoặc có định hướng phát triển mô hình đào tạo “suốt đời” thì rất nhiều trang là của các trường ĐH tư thục hoặc dân lập. Ngay như trên một trang web có địa chỉ vanbang2.trang tuyensinh.vn, ở mục “Đối tác của chúng tôi”, người xem có thể nhận thấy một nửa trong số đó là trường ĐH ngoài công lập, như Nguyễn Trãi, Hòa Bình, Trưng Vương, Quốc tế Bắc Hà…, và đặc biệt là có Trường ĐH Đông Đô. Nhưng sau khi có thông tin Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô bị bắt, nhiều trang này bỗng nhiên biến mất, hoặc nhấp chuột vào thì hiện trang lỗi.
Nhiều người cho rằng do các yêu cầu của Bộ GD-ĐT (đầu vào, đầu ra các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ) cũng như của Bộ Nội vụ (về tuyển dụng hoặc chuẩn hóa hồ sơ viên chức, công chức) mà cung không đáp ứng xuể cầu trong thị trường chứng chỉ, bằng cấp tiếng Anh. Người ta chỉ cần có chứng chỉ, văn bằng để hợp thức hóa hồ sơ mà không quan tâm đến chất lượng đào tạo.
Cho đến khi Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô bị bắt, những người quan tâm mới ngã ngửa ra trước một thực tế khác, người học phải trả rất nhiều tiền (và tốn cả thời gian) để được cấp văn bằng 2 mà văn bằng đó không có giá trị (không được nhà nước công nhận) bởi cơ sở đào tạo chưa được phép đào tạo văn bằng 2 ngành được ghi trên văn bằng. Vì thế, rất nhiều người cho biết, hiện họ đang theo học chương trình đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh của trường A, B, C…, rồi đặt vấn đề: “Làm sao biết đó là chương trình đã được phép Bộ GD-ĐT”? Vậy tìm ở đâu danh sách các trường ĐH đã được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh? Đây là câu hỏi mà Báo Thanh Niên cũng đang đợi câu trả lời từ Bộ GD-ĐT.
Quy định ngặt nghèo nhưng bị… bỏ quên
Theo một cán bộ quản lý giáo dục ĐH của Bộ GD-ĐT, việc đào tạo văn bằng 2 của cơ sở giáo dục ĐH hiện nay vẫn thực hiện theo Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT.
Theo quyết định này, việc đào tạo bằng ĐH thứ hai chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GD-ĐT hoặc của các ĐH (như các ĐH quốc gia, ĐH Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng) đối với các thành viên hoặc khoa trực thuộc, và cũng chỉ ở những ngành đã được phép đào tạo hệ chính quy sau khi có ít nhất hai khóa chính quy của ngành đó tốt nghiệp. Các cơ sở đào tạo muốn đào tạo văn bằng 2 một ngành nào đó thì phải có văn bản đề nghị với Bộ GD-ĐT hoặc với ĐH nếu là đơn vị thành viên của ĐH. Trong văn bản cần nêu rõ số lượng đào tạo văn bằng 2 ĐH cho ngành mà trường muốn đào tạo, quy mô hệ chính quy đang đào tạo của ngành này; điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo như đội ngũ giảng viên, trang thiết bị, cơ sở vật chất, tài liệu giảng dạy và học tập. Trên cơ sở đề nghị của các cơ sở đào tạo và chỉ tiêu đào tạo ĐH hệ chính quy hằng năm và các điều kiện bảo đảm chất lượng, Bộ GD-ĐT (hoặc ĐH) sẽ giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bằng ĐH thứ hai cho các cơ sở có đủ điều kiện.
Quyết định 22 cũng yêu cầu, chậm nhất là một tháng sau khi hoàn tất công tác tuyển sinh, cơ sở đào tạo phải gửi báo cáo danh sách tuyển sinh, và một tháng sau khi kết thúc mỗi khóa học, gửi báo cáo danh sách sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp về Bộ GD-ĐT và bộ chủ quản để theo dõi.
Như vậy, tuy trường ĐH ngày càng được mở rộng quyền tự chủ nhưng riêng với đào tạo ĐH văn bằng 2, Bộ GD-ĐT vẫn quản lý và giám sát chặt chẽ. Vì thế, việc Trường ĐH Đông Đô hoành hành trên “mặt trận” văn bằng 2 trái phép (theo tài liệu của cơ quan công an, trường này đã thực hiện tuyển sinh ĐH văn bằng 2 từ nhiều năm nay, với hàng nghìn học viên đăng ký theo học, và hiện đã cấp bằng cho hàng trăm trường hợp) mà Bộ GD-ĐT không biết, quả là một điều đáng ngạc nhiên.
Nhưng không chỉ Trường Đông Đô mà phần lớn các trường ĐH có đào tạo văn bằng 2 hiện đang thực hiện hoạt động này ra sao, hầu như Bộ GD-ĐT cũng rất ít thông tin. Trong báo cáo hằng năm, Bộ GD-ĐT gần như không đề cập mảng này.
Trao đổi với Thanh Niên, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng, cũng cho biết, cho đến nay Bộ mới thanh tra việc cấp văn bằng 2 ở 3 đơn vị (ngoài việc phối hợp với cơ quan công an xác minh, điều tra việc cấp văn bằng 2 ở Trường ĐH Đông Đô - PV). Trong đó, 2 đơn vị là Khoa Ngoại ngữ ĐH Thái Nguyên và Trường ĐH Chu Văn An đã có kết luận. Theo đó Khoa Ngoại ngữ ĐH Thái Nguyên thực hiện đúng quy định, còn Trường ĐH Chu Văn An có vi phạm tương tự Trường ĐH Đông Đô. Một đơn vị khác cũng được thanh tra là Trường ĐH Thành Đô thì hiện chưa có kết luận.
Ông Bằng lý giải: “Thanh tra có 2 loại hoạt động: thanh tra theo kế hoạch, có trọng tâm trọng điểm; thanh tra đột xuất với các hiện tượng “nóng”. Cả nước có 5 vạn cơ sở GD-ĐT, từ mầm non trở lên, thì làm sao Thanh tra Bộ có thể thanh tra được hết tất cả các cơ sở”! Ông Bằng cũng cho biết, với Trường ĐH Đông Đô, Bộ từng thanh tra về điều kiện đảm bảo chất lượng năm 2013 và sau đó đình chỉ hoạt động tuyển sinh của trường, khi trường đủ điều kiện mới cho tuyển sinh trở lại.
Bộ GD-ĐT vô can ?Theo một quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, từ tháng 6.2017, Cục Quản lý chất lượng của bộ này được giao trách nhiệm quản lý văn bằng, chứng chỉ. Theo đó, một trong các nhiệm vụ của cục này là xây dựng các quy định và hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý văn bằng, chứng chỉ trong phạm vi quản lý của Bộ GD-ĐT.
Khi trả lời báo chí về vụ việc Trường ĐH Đông Đô, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, một mặt khẳng định các cơ sở giáo dục ĐH được quyền tự chủ trong việc cấp phát văn bằng và phải chịu trách nhiệm về việc quản lý và cấp phát văn bằng của mình, nhưng mặt khác cũng xác nhận Bộ với chức năng quản lý nhà nước thì định kỳ hoặc đột xuất thực hiện việc thanh tra, kiểm tra việc quản lý văn bằng chứng chỉ nói chung, in phôi văn bằng, chứng chỉ nói riêng của các cơ sở giáo dục ĐH. Nhưng Cục Quản lý chất lượng đã kiểm tra việc quản lý văn bằng 2 của các cơ sở giáo dục ĐH trên cả nước thế nào?
Cũng trong trả lời của mình với báo chí, ông Mai Văn Trinh xác nhận, Trường ĐH Đông Đô là đơn vị nhận phôi văn bằng từ Bộ GD-ĐT. Nhưng Bộ chỉ cung ứng phôi văn bằng cho nhà trường. Việc in thông tin trên văn bằng, cấp phát văn bằng là trách nhiệm của nhà trường; nhà trường phải tuân thủ các quy định hiện hành đối với công tác quản lý, cấp phát văn bằng. Đến đây lại nảy sinh một câu hỏi khác: Bộ GD-ĐT cung ứng phôi bằng cho Trường ĐH Đông Đô theo cơ chế nào, với tư cách là một đơn vị cung ứng dịch vụ, hay với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước? Nếu với tư cách là một đơn vị cung ứng dịch vụ in phôi văn bằng, thì hiện Bộ GD-ĐT đã có quy định nào quản lý dịch vụ này chưa, và liệu cơ quan quản lý nhà nước có được phép tham gia cung ứng?
Nếu với tư cách cơ quan quản lý nhà nước, thì Bộ GD-ĐT có thực hiện quy định mà chính Bộ ban hành về quản lý phôi bằng? Theo các quy định trước đây, cơ sở đào tạo muốn được Bộ GD-ĐT cấp phát phôi bằng thì phải làm hồ sơ đề nghị, trong đơn đề nghị cấp phôi văn bằng nêu rõ nhu cầu về phôi văn bằng; số lượng phôi đề nghị cấp; chỉ tiêu đào tạo đã được giao và tình hình thực hiện chỉ tiêu đào tạo; số lượng phôi đã được cấp đợt trước, số lượng phôi đã sử dụng để cấp cho người học... Nếu thực hiện đúng quy định này thì căn cứ vào đâu để Bộ GD-ĐT “cung ứng” cho Trường ĐH Đông Đô hàng trăm phôi bằng để cấp cho người tốt nghiệp một chương trình đào tạo chưa được phép?
|
Bình luận (0)