Không ngừng trau dồi, không ngại trải nghiệm
Tốt nghiệp với số điểm 3.9/4, Lương Ngọc Thảo Uyên (ngành ngôn ngữ Hàn Quốc) là thủ khoa đầu ra khóa 42 Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Thảo Uyên cho biết: “Lúc mới vào đại học mình cũng có nhiều bỡ ngỡ với môi trường mới, khác hoàn toàn với môi trường học phổ thông. Nhưng nhờ thầy cô trong khoa nhiệt tình chỉ dẫn, các bạn cũng hỗ trợ nhau học tập nên mình nhanh chóng thích nghi được”.
Do là sinh viên khóa đầu tiên của khoa Tiếng Hàn Quốc của trường, Thảo Uyên gặp không ít khó khăn do không có “tiền bối” để học hỏi kinh nghiệm học tập, bên cạnh đó thư viện trường cũng chưa cập nhật nhiều tài liệu tiếng Hàn. “Cách để mình vượt qua những điều trên là không ngừng trau dồi, không ngại trải nghiệm để học hỏi và rút kinh nghiệm cho bản thân”, cô thủ khoa chia sẻ.
|
Thảo Uyên bật mí thêm: “Khi học đại học, học trên lớp chỉ là một phần, việc học hỏi, tìm hiểu các nguồn tài liệu khác bên ngoài để trau dồi, nâng cao kiến thức là hết sức cần thiết để đạt kết quả cao trong học tập. Đặc biệt là với chuyên ngành ngoại ngữ, ngoài kiến thức trên sách vở thì mình nghĩ việc tự rèn luyện kỹ năng, thường xuyên giao tiếp với người bản xứ để ứng dụng ngôn ngữ là rất quan trọng”.
Tự học và hỏi bất cứ điều gì chưa biết
Với thành tích học tập xuất sắc, Đinh Thị Vân (ngành quan hệ công chúng) là thủ khoa đầu ra Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Vân cho biết để đạt được kết quả cao, cô chủ yếu tự học và hỏi bất cứ điều gì mình chưa biết.
|
“Mình tự học là chính. Ngoài thời gian đi làm thêm, mình tự học rất nhiều qua mạng, sách vở và hỏi bất kỳ người nào có thể giúp được mình”, Vân nói và cho biết cô tự tìm tòi, học hỏi rất nhiều từ interrnet cho đến cả những kỹ thuật viên sửa máy tính, những người đi trước.
Học có động lực là cách học tốt nhất
Theo Hồ Văn Nhật Trường, thủ khoa đầu ra khoa Sinh học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: “Học có động lực là cách học tốt nhất”.
Nhật Trường giải thích, mỗi người đều có mỗi động lực học khác nhau, có người học vì học bổng, có người học vì nghề nghiệp sau này... Một khi bản thân xác định được động lực thì lấy nó ra để phấn đấu đạt được.
|
Kinh phí cho việc học cũng là một trong những nỗi lo của sinh viên. Nhật Trường thường giải quyết vấn đề trên bằng cách đi làm thêm và xin học bổng. Trường bật mí: “Mình thường lựa chọn học bổng phù hợp rồi nộp đơn, thường thì chỉ nhận được một nên lựa học bổng có giá trị cao, duy trì 4 năm để nộp”. Học bổng vừa giúp sinh viên có thêm một khoản tiền để trang trải vừa là động lực rất lớn giúp các bạn cố gắng đạt được kết quả cao.
Nhật Trường hiện là giáo viên môn sinh của Trường Trung học Thực hành - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Trường xin được việc trước ngày tốt nghiệp khoảng 2 tuần. “Tìm kiếm cơ hội việc làm ngay khi còn là sinh viên bằng cách làm giáo viên ở các trung tâm luyện thi, trợ giảng STEM, kiến tập/thực tập tại các trường mình mong muốn giảng dạy sau này; tích cực tham gia các hoạt động học thuật, từ đó hình thành các mối quan hệ với thầy cô và bạn bè nhiều nơi, lúc đó tự bản thân sẽ tìm được cơ hội cho mình”, Nhật Trường chia sẻ.
Bình luận (0)