Sinh viên sư phạm, dễ hay khó kiếm việc làm?

Thái Duy
Thái Duy
18/10/2020 19:48 GMT+7

Nhiều người cho rằng sinh viên học ngành sư phạm sau này ra trường khó xin việc làm do giáo viên thừa nhiều. Thực tế hiện nay ra sao?

Đa số sinh viên các ngành sư phạm của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM mà chúng tôi khảo sát đều xin được việc ở tháng đầu tiên sau khi ra trường, thậm chí có người còn xin được việc trước khi tốt nghiệp.  Làm thế nào để các sinh viên đạt được kết quả này? Và có phải sinh viên nào cũng có được việc làm đúng ngành sau khi ra trường?

Có việc trước ngày tốt nghiệp 2 tuần

Hồ Văn Nhật Trường, thủ khoa khoa sinh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, hiện là giáo viên của Trường Trung học Thực hành - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, là một ví dụ điển hình có  được việc ngay khi chưa tốt nghiệp. Nhật Trường xin được việc trước ngày tốt nghiệp khoảng 2 tuần.
“Để tìm kiếm cơ hội việc làm khi còn là sinh viên, các bạn có thể làm việc tại các trung tâm luyện thi, trợ giảng, kiến tập/thực tập tại các trường mình mong muốn giảng dạy sau này. Các bạn cũng nên tích cực tham gia các hoạt động học thuật, từ đó hình thành các mối quan hệ với thầy cô và bạn bè nhiều nơi, lúc đó tự bản thân sẽ tìm được cơ hội riêng cho mình”, Nhật Trường cho biết. 

Quốc Bảo (giữa) hiện là giáo viên môn hóa Trường Trung học Thực hành - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

NVCC

Nguyễn Quốc Bảo, cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết có được việc sau ngày tốt nghiệp khoảng 1 tháng. Theo Quốc Bảo, để thuận lợi trong quá trình  tìm việc, sinh viên cần trang bị CV đẹp, có những chứng chỉ cần thiết, đặc biệt là chứng chỉ ngoại ngữ và tin học. “Nên tranh thủ thời gian hè, khi năm học cũ vừa kết thúc để nộp hồ sơ xin việc vì đây là khoảng thời gian các trường bắt đầu chuẩn bị nhân sự cho năm học mới”, Bảo bật mí.
Tương tự, Lê Thị Mai Anh, hiện đang là giáo viên của một trường tiểu học tại Q. 7, TP.HCM, cũng có được việc ở tháng đầu tiên sau khi ra trường. Mai Anh cho biết: “Ngoài trang bị đầy đủ những thứ cần thiết, các bạn cần luôn luôn chủ động tìm kiếm cơ hội cho mình, đừng ngồi một chỗ chờ đợi. Ngoài ra, khả năng giao tiếp tốt là một lợi thế cực kỳ lớn trong quá trình xin việc”.
Đã hấp dẫn đầu vào, cần rộng mở đầu ra
Quy định sinh viên sư phạm được sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng không chỉ mang đến niềm vui cho sinh viên theo học, ngành sư phạm mà đó còn là niềm vui chung của toàn xã hội. Ngoài việc được hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học, sinh viên còn được cấp sinh hoạt phí mỗi tháng.
Đây là một tin vui rất lớn. Chưa bao giờ sinh viên ngành sư phạm nhận được sự ưu đãi hấp dẫn như thế. Chính việc hỗ trợ này sẽ nâng cao chất lượng đầu vào ngành sư phạm.
Tuy nhiên, sự ưu đãi này sẽ tốt hơn, hoàn chỉnh hơn khi “rộng cửa đầu ra”. Có nghĩa là làm thế nào để mọi sinh viên sư phạm ra trường đều có việc làm ổn định, thu nhập đảm bảo để giáo viên yên tâm gắn bó với nghề.
Thái Hoàng
           

Sinh viên ngành mầm nonnhiều lựa chọn

Sinh viên ngành sư phạm mầm non dễ xin được việc hơn do ngành này đang cần giáo viên nhiều. Điều các sinh viên quan tâm lúc này không phải là xin được việc hay không mà là chọn trường có loại đào tạo, chế độ, lương sao cho phù hợp với bản thân.
Tương tự, Nguyễn Thị Linh (23 tuổi), giáo viên của một trường mầm non ở Q. Phú Nhuận, cho biết không có quá nhiều khó khăn trong bước đầu xin việc khi vừa ra trường: “Trước đây mình thực tập ở một trường mầm non ở Q. 2, thực tập xong mình được nhận vào làm ở đó luôn. Nhìn chung thì cũng không có nhiều khó khăn trong quá trình xin việc, chỉ khó ở chỗ chọn trường sao cho phù hợp với bản thân, do mầm non có nhiều trường với nhiều loại hình đào tạo khác nhau”.

Thầy giáo trẻ Quốc Bảo (giữa) với học trò

NVCC

Vẫn có sinh viên làm trái ngành, do đâu?

Thực tế vẫn còn có nhiều trường hợp sinh viên ra trường chưa tìm được việc làm ổn định hoặc làm trái ngành, trái với định hướng ban đầu.
N.K. , cựu sinh viên sư phạm văn, cho biết hiện tại đang làm trái ngành. Theo K. chia sẻ, do số lượng sinh viên ra trường vượt cao hơn so với số lượng viên chức cần tuyển, vì vậy tỷ lệ đỗ cũng khá thấp. Một phần cũng vì sự nhìn nhận của bản thân về ngành nghề chưa đúng. K. thú nhận ban đầu việc chọn ngành sư phạm là vì gia đình khó khăn, chọn ngành này để giảm nỗi lo học phí và cũng yêu thích môn văn nhưng giờ K. nhận ra giữa việc yêu thích và đi dạy là hai chuyện hoàn toàn  khác nhau.
Nguyễn Thị Linh Ngân, cựu sinh viên sư phạm hóa, cho biết dù bản nghiệp bằng loại giỏi nhưng chưa muốn đi dạy ngay mà thay vào đó là học lên thạc sĩ. 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.