Học sinh có điểm dưới trung bình sẽ tăng cao?

14/09/2017 08:28 GMT+7

Sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố đề thi minh họa môn toán kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2018 - 2019, nhiều giáo viên bày tỏ ủng hộ nhưng cũng không ít người băn khoăn.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, mục tiêu đổi mới đề thi lớp 10 theo định hướng tăng cường tính thực tiễn, tích hợp kiến thức. Trong đó môn toán là có nhiều thay đổi nhất.
Không còn kiến thức hàn lâm, nhưng quá mới
Ông Nguyễn Thanh Tịnh, giáo viên (GV) tại Q.1 nhận xét đề có sự đổi mới theo hướng tiếp cận phương pháp giáo dục mới, không đặt nặng về kiến thức hàn lâm mà phục vụ thực tiễn. Nội dung các câu hỏi là kiến thức cơ bản, không khó nhưng quá mới mẻ nên học sinh (HS) cần được hướng dẫn nhiều.
Một GV dạy tại một trường điểm của Q.1 cũng cho hay kiến thức hàn lâm không còn xuất hiện trong đề thi minh họa. Các bài toán thực tế thì yêu cầu kiến thức cơ bản, quen thuộc, chỉ cần biết vận dụng là tìm ra đáp án. Tuy nhiên, quan trọng là HS phải có khả năng đọc hiểu, từ đó tìm ra bản chất, mấu chốt vấn đề trong bài.
Một chuyên viên Phòng Giáo dục Q.10 cho rằng Sở nên sắp xếp các câu hỏi từ dễ đến khó để thí sinh không bị áp lực trong khi làm bài. Ngoài ra, chuyên viên này cho rằng số lượng câu hỏi dài, nhiều vấn đề quá.
Một chuyên viên lo ngại với số câu hỏi như trên thì trung bình HS có 12 phút để làm 1 câu, sẽ gặp khó trong vấn đề đọc hiểu do không kịp thời gian.
GV Ngô Thanh Sơn (Q.Tân Phú) cho biết cấu trúc đề mới hoàn toàn, 10 câu chia nhỏ ra theo 10 ý khác nhau. Có nhiều câu hỏi vận dụng, trong đó có câu hoàn toàn mới. Phần hình học xem như khác hoàn toàn so với trước và được lồng vào trong bài toán thực tế.
Học bám sách giáo khoa sẽ không phù hợp
Ông Nguyễn Đình An, GV Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), khẳng định: “Cách ra đề như năm nay thì các trung tâm luyện thi, các lớp học thêm sẽ chết. Lý do là kiến thức trong đề thi có thể nằm trong hoặc ngoài sách giáo khoa. Để luyện thi, trước nay GV thường căn cứ vào cấu trúc đề thi năm trước hoặc qua quen biết để thăm dò dạng bài trong đề thi rồi ôn cho HS. Tuy nhiên, với cách ra đề như trong đề minh họa thì việc ôn thi như vậy sẽ không ổn. Do đó, thay vì đi ôn thi, luyện từng bài cụ thể, HS nên tập trung học kỹ năng làm bài và xử lý bài tập”.
“Căn cứ vào đề minh họa môn toán, có thể thấy chỉ khoảng 30% kiến thức nằm trong sách giáo khoa, cụ thể là 3 câu đầu. Vì vậy nếu HS vẫn giữ cách học bám sách như trước đây thì sẽ không phù hợp”, ông An nói thêm và cho rằng: “Chỉ vài thay đổi nhỏ của môn toán trong đề thi vào lớp 10 năm học 2016 - 2017 mà đã có 58% HS bị điểm dưới trung bình, thì với đề thi năm nay tỷ lệ này sẽ tăng nữa”.
Nhiều GV cũng dự đoán nếu đề thi theo cấu trúc này thì điểm sẽ còn thấp hơn năm ngoái. Vì hiện nay trên trường vẫn kiểm tra theo kiến thức như những năm trước khi đổi cấu trúc, nên GV, HS vẫn dạy và học như cũ. Hơn nữa, một số GV vẫn chưa thể thay đổi bài giảng theo cấu trúc mới, nhất là các GV lớn tuổi. Hiện nay đa số GV khá hoang mang với đề mẫu này, kể cả các giáo viên trẻ. Một GV tại Q.Tân Bình cho rằng với đề thi theo định dạng này thì xem như đề cương, giáo án bài giảng phải “đập đi xây lại”.
Đi đúng hướng đổi mới
Tiến sĩ Trần Nam Dũng, giảng viên Khoa Toán - Tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, khá tâm đắc với đề minh họa: “Nếu đề thi lớp 10 năm học 2016 - 2017 chỉ có 2 ý tương đối thực tiễn thì đề năm nay có những thay đổi mạnh mẽ theo hướng thực tiễn và tích hợp. Hơn một nửa số câu gắn với thực tiễn, trong đó có những câu gắn toán với các môn học khác (quang học, khoa học trái đất). Quan trọng hơn là dù có nhiều bài toán thực tiễn nhưng vẫn chuyển tải được những kiến thức, kỹ năng toán học, như mô hình hàm số (bài 4, 6), các tính chất và định lý hình học (bài 3, 5, 7, 10)”.
Đặc biệt, theo tiến sĩ Dũng, đề thi đã bỏ những phần mà trước đây được coi không thể thiếu trong một đề thi tuyển sinh lớp 10 là giải phương trình, chứng minh bất đẳng thức, chứng minh hình học, thay bằng những điều bổ ích hơn, đại chúng hơn. “Đó là một sự dũng cảm đáng ghi nhận. Đề cũng đã khắc phục được những điểm yếu của đề thi năm 2016 - 2017, như đưa vào độ chính xác trong phép tính gần đúng”, ông Dũng nhấn mạnh và khẳng định: “Với đề thi minh họa này, Sở đã đi rất đúng hướng trên con đường đổi mới dạy và học trong trường phổ thông, ít nhất là ở bộ môn toán”.
Ông Nguyễn Thanh Hiếu, GV Trường THPT Lê Quý Đôn, cho rằng nếu những năm trước đây câu hỏi phân loại là câu hình học phẳng thì năm nay đề thi đã thay đổi khi câu hỏi này nằm ở câu số 3 chỉ ở mức thông hiểu và vận dụng. Trong đó, kiểu bài của câu 4, 6, 8, 9 khá giống kiểu đề thi SAT của Mỹ. Câu số 7 thí sinh cần phải có kiến thức về chương quang học của chương trình giáo khoa vật lý lớp 9. “Tôi ủng hộ kiểu đề mới này vì đa phần các câu hỏi thực tiễn không khó, HS hoàn toàn có thể đọc, hiểu đề và tự tư duy giải bài chứ không như trước đây, giải bài theo dạng rất rập khuôn”, ông Hiếu nói.
Sẽ thay đổi cách dạy và học
Lãnh đạo phòng Giáo dục trung học của Sở GD-ĐT nhận xét phần lớn GV môn toán còn dạy tủ, máy móc, không rèn cho HS biết suy luận, tư duy, phân tích để tìm ra lời giải. Điều này thể hiện HS không biết khai triển, không biết giải phương trình mà toàn bấm máy, sử dụng chiêu trò, không công bố chủ đề của bài toán vận dụng thì không làm được. Một số GV dạy cho HS trung bình, yếu tư tưởng rất lệch lạc là không cần làm phần hình học mà chỉ cần làm phần đại số là có thể đạt điểm trung bình.
Còn HS thì đa số học tủ, học vẹt, không biết suy luận, tư duy, giải quyết vấn đề nên gặp vấn đề mới thì bế tắc. Một số HS có điểm trung bình từ 9 trở lên mà bài thi tuyển sinh chỉ có 5 - 6 điểm cũng cần phải xem lại cách học, trường cũng cần đặt câu hỏi có phải việc đánh giá quá dễ dãi, theo thành tích? Do vậy, việc biên soạn đề thi theo hướng đổi mới này nhằm thay đổi việc kiểm tra, đánh giá HS theo hướng phát triển năng lực.
Dự kiến vào đầu học kỳ 2, Sở sẽ công bố đề minh họa một lần nữa để GV và HS thêm cơ hội tiếp cận với việc đổi mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.