Nhìn nhận về sự thay đổi này, ông Trần Đức Huyên, nguyên Hiệu phó Trường THPT Lê Hồng Phong (TP.HCM), bắt đầu từ câu chuyện của một cựu học sinh của trường sáng lập một công ty sản xuất các sản phẩm thuộc lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Úc đã “kinh ngạc” khi biết học sinh hiện nay vẫn học ngôn ngữ lập trình Pascal - ngôn ngữ mà cựu học sinh này đã học gần 20 năm trước. Ông Huyên nói rằng ngôn ngữ Pascal là ngôn ngữ lập trình sơ khai có từ gần 50 năm trước, nay đã quá lạc hậu vì nặng nề, hàn lâm, thiếu tính ứng dụng. Các nước trên thế giới đã bỏ không sử dụng từ hàng chục năm nay nên với học sinh Việt Nam, học chỉ nhằm mục đích trả bài, lấy điểm mà thôi.
Còn một giáo viên tin học thì cho biết nội dung về Pascal trong sách giáo khoa lớp 11 tập trung vào lý thuyết nặng nề, gây quá tải cho việc dạy và học. Trong khi hiện tại có nhiều phần mềm, chương trình mang tính trực quan sinh động, thông dụng, thu hút học sinh mà vẫn đảm bảo được mục đích trang bị cho học sinh về lập trình và ngôn ngữ.
Song song với việc lược bỏ ngôn ngữ lập trình được coi là lạc hậu này, Bộ GD-ĐT cho phép các cơ sở giáo dục có thể lựa chọn giảng dạy các ngôn ngữ lập trình có tính cập nhật, hiện đại và thông dụng, đang được triển khai trong trường phổ thông nhiều nước như Python, C, C++… Tùy từng cơ sở giáo dục sẽ thay thế một cách tương ứng ngôn ngữ lập trình phù hợp.
Ông Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang (Q.5 TP.HCM), cho hay năm học này trường bắt đầu dạy ngôn ngữ C++ cho học sinh. Để đưa chương trình mới vào giảng dạy, nhà trường đã phải đầu tư, sửa chữa lại phòng máy, nâng cấp máy, trang bị phòng học khang trang hơn để tạo sự hứng thú.
Bình luận (0)