Ngày 23.3, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, T.HCM) tổ chức tổng kết dự án Con đường di sản Việt Nam (dự án này bắt đầu từ tháng 11.2018 với sự tham gia của học sinh từ lớp 10 đến lớp 12).
Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết học sinh tham gia dự án để tìm hiểu về các di sản của Việt Nam và thể hiện năng lực thông qua kỹ năng làm việc nhóm, phân tích đánh giá dữ liệu, kỹ năng thực địa, quay và dựng video...
Bằng thiết bị như: máy vi tính, máy chiếu, camera, điện thoại di động, các loại bảng, biểu, tranh ảnh... học sinh có 8 tuần để thu thập tư liêu và 2 tuần để học thực địa, báo cáo, đánh giá kết quả.
|
Sau thời gian thực địa tại di sản Tràng An (Ninh Bình), Huế, Hội An, Mỹ Sơn... học sinh đã hoàn thành gần 150 sản phẩm ở nhiều thể loại clip, hoạt cảnh tái hiện, thời trang, gian hàng, sản phẩm lưu niệm quảng bá di sản.
Đó là các đoạn phim ngắn để giới thiệu di sản thiên nhiên- vật thể như Tiếng vọng di sản của lớp 12D3, Mỹ Sơn của lớp 12D1 hay giới thiệu di sản phi vật thể với hoạt cảnh Hội Gióng của lớp 12D1, Lễ hội Hùng Vương của lớp 12D3...
Với sản phảm của mình, nhóm Yên ở khối 12 đã truyền tải thông điệp: “Chămpa là một dân tộc sinh sống lâu đời trên dải miền Trung Việt Nam. Trong lịch sử phát triển, với văn hoá bản địa đặc sắc của mình cùng với mối giao lưu rộng rãi đa chiều với nhiều nền văn hoá khác nhau người Chăm đã sáng tạo nên một nền văn hoá đa dạng và độc đáo. Họ đã để lại cho chúng ta một quần thể kiến trúc đền tháp đồ sộ và những tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao. Hãy cùng nhóm Yên khám phá Mỹ Sơn - minh chứng điển hình nhất cho một nền văn hoá Chămpa phát triển rực rỡ trong quá khứ các bạn nhé!”.
|
Thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn -một trong những giáo viên phụ trách dự án chia sẻ, sau khi hoàn thành dự án, học sinh có tinh thần yêu thích môn học, khám phá, sáng tạo. Có ý thức vận dụng kiến thức đã học vào thực tế. Các tiết mục góp phần tái hiện không gian văn hoá được Unesco công nhận là di sản phi vật thể. Góp phần đưa học sinh tiệm cận với cái hay cái đẹp của văn hoá dân tộc. Các em học sinh đã làm hết sức và tôi rất ngưỡng mộ tài năng của các em cũng như giới trẻ hiện nay.
Riêng với học sinh, nhóm lớp 12D3 nói rằng, qua tìm hiểu về di sản, không chỉ có kiến thức mà tự thân biết trân trọng, giữ gìn các di tích lịch sử, cảm nhận và tự hào về vẻ đẹp quê hương đất nước. Sẽ cùng góp phần tuyên truyền, giới thiệu vẻ đẹp của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Bình luận (0)