Học sinh rục rịch tìm hiểu thi đánh giá năng lực

Bích Thanh
Bích Thanh
05/10/2019 06:52 GMT+7

Mới chỉ tháng 10, nhưng nhiều học sinh và giáo viên lớp 12 ở TP.HCM đã rục rịch tìm hiểu kỳ thi đánh giá năng lực của các trường đại học...

Đặc biệt, các thầy cô giáo dạy lớp 12 đã dần dần có những thay đổi trong kế hoạch giảng dạy nhằm chuẩn bị nền tảng tốt nhất cho học sinh tham gia kỳ thi này.
Hầu hết hiệu trưởng các trường THPT tại TP.HCM đều cho rằng hình thức thi đánh giá năng lực do một số trường ĐH tổ chức ngày càng thu hút sự quan tâm của học sinh. Chẳng hạn, năm 2018, năm đầu tiên học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức) tham gia với tỷ lệ là 30% tổng số học sinh lớp 12, đến năm 2019 tỷ lệ này lên đến 100%. Tương tự, số lượng học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) đăng ký dự thi kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia, Trường ĐH Luật, ĐH Việt - Đức gần như 100%.
Theo lý giải của ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, sở dĩ kỳ thi này thu hút thí sinh bởi thời gian thực hiện chia thành 2 đợt trước và sau khi thi THPT quốc gia. Áp lực đối với thí sinh không cao bởi nếu dự thi đợt 1 sẽ có tâm lý an toàn, là dịp để thể hiện nhằm “thủ” sẵn cơ hội vào ĐH. Và nếu thấy kết quả thi THPT quốc gia không tốt thì nỗ lực để thể hiện lại năng lực bản thân ở đợt thi thứ 2.
Ông Nguyễn Hùng Khương, Hiệu phó Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho hay với mức độ quan tâm ngày càng gia tăng, ngay đầu năm học, ban giám hiệu phối hợp cùng các tổ trưởng chuyên môn, giáo viên phụ trách lớp 12 thường xuyên lưu ý đến thông tin các trường tổ chức thi riêng, định hướng và cấu trúc bài thi để kịp thời xây dựng phương án hỗ trợ học trò.
Ông Khương cũng nói, qua 2 năm tìm hiểu nội dung đề thi cho thấy cấu trúc bài thi đánh giá năng lực tích hợp kỹ năng đọc hiểu, phân tích, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề chứ không đánh giá khả năng nhớ hay thuộc bài của thí sinh. Vì vậy, các phương án học tập vẫn là tạo nền tảng kiến thức ở các môn chứ không chỉ tập trung vào các môn thi tổ hợp xét tuyển ĐH và không nên nâng cao với những kiến thức quá hàn lâm.
Tương tự, ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), cho rằng đề bài thi đánh giá năng lực có tính bao quát nên giáo viên các bộ môn cùng tham gia hỗ trợ kiến thức, hình thành năng lực đồng bộ cho học sinh, chứ không thể đứng ngoài và trách nhiệm không chỉ thuộc về những giáo viên dạy những môn học nằm trong tổ hợp môn xét tuyển.
Ông Thạch nói thêm đề thi đánh giá năng lực của các trường ĐH có độ rộng, bao quát kiến thức, không còn tập trung vào cách hỏi truyền thống và tăng cường khả năng vận dụng. Vì vậy, cách dạy của giáo viên phải bám sát theo chuẩn kiến thức kỹ năng nhưng lưu ý học sinh dành thời gian tư duy và suy luận. Đồng thời, bổ sung kiến thức về thực tế để biết thế giới xung quanh đang diễn ra điều gì và thế nào. Trong thực tế hiện nay, năng lực không chỉ là kiến thức môn học mà còn cần biết vận dụng môn học đó vào cuộc sống.
Và để hỗ trợ tối đa cho học sinh khi tham gia các kỳ thi này, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân phân công giáo viên tìm hiểu định hướng ra đề, cách đặt vấn đề trong các câu hỏi để kết hợp hướng dẫn học sinh ngay trong các tiết học. Ngoài ra, các tổ bộ môn thiết lập ngân hàng câu hỏi từ những đề xuất của giáo viên, cùng đưa ra thẩm định, đánh giá và triển khai. Việc cho học sinh làm quen với kỳ thi đánh giá năng lực thông qua các phương án học tập nói trên còn trở thành nhiệm vụ chuyên môn trong năm học của giáo viên.
Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM được tổ chức 2 đợt trong năm, thường diễn ra vào trước và sau kỳ thi THPT quốc gia, tức là vào khoảng tháng 3 và tháng 7. Thí sinh làm 1 bài thi với 120 câu hỏi tổng hợp trong thời gian 150 phút.
Thí sinh có thể chọn thi đợt 1, đợt 2 hoặc cả hai đợt thi đánh giá năng lực để lấy kết quả xét tuyển. Sau khi thi, thí sinh nhận được kết quả của bài thi. Việc đăng ký thi và đăng ký xét tuyển độc lập nhau. Xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực là kỳ thi độc lập với việc xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia. Chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức đánh giá năng lực riêng biệt (tối đa 40% tổng chỉ tiêu).
Thí sinh có thể chọn kết quả thi THPT quốc gia hoặc thi đánh giá năng lực hoặc đồng thời cả 2 phương thức xét tuyển để tăng cơ hội trúng tuyển. Thí sinh trúng tuyển bằng kết quả đánh giá năng lực chỉ cần tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện nhập học tại ĐH Quốc gia TP.HCM (kể cả thí sinh đã tốt nghiệp các năm trước).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.