Học sinh tiểu học được đánh giá phẩm chất 'yêu nước'

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
10/04/2020 14:42 GMT+7

Theo dự thảo thông tư quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học Bộ GD-ĐT mới công bố, 4 phẩm chất chủ yếu các em sẽ được đánh giá là: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

Bộ GD-ĐT mới công bố để lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học. Dự thảo này được xây dựng trong bối cảnh từ năm học 2020 - 2021, Việt Nam sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018), bắt đầu từ lớp 1 cấp tiểu học.
Chương trình này với sự thay đổi về mục tiêu giáo dục (chuyển từ nền giáo dục chú trọng truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh), có thêm một số môn học/hoạt động giáo dục mới, nên tác động trực tiếp đến nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá người học.
Để thống nhất với quy định trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018, dự thảo điều chỉnh hệ thống tên các môn học, hoạt động giáo dục và nội dung từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi.
Theo đó, học sinh sẽ được đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực thông qua những phẩm chất chủ yếu là: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; những năng lực cốt lõi là: năng lực chung: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo; năng lực đặc thù: ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mỹ, thể chất.

Quy định về “tổng hợp đánh giá và xếp loại chất lượng giáo dục”, quy định về “hồ sơ đánh giá”, cũng những điểm mới của dự thảo thông tư; tạo thành quy trình hoàn chỉnh trong đánh giá gồm đủ các hình thức: đánh giá thường xuyên; đánh giá định kỳ; tổng hợp đánh giá; xếp loại chất lượng giáo dục; sử dụng kết quả đánh giá. Trong đó, lưu tâm đến quy định học bạ điện tử được sử dụng tại mỗi cơ sở giáo dục phổ thông.

Ngoài ra, có một số thay đổi như: thay vì thể hiện bằng 4 mức độ đối với các câu hỏi/bài tập trong bài kiểm tra định kỳ, dự thảo thông tư mới chỉ sử dụng 3 mức độ là “hoàn thành tốt”, “hoàn thành” và “chưa hoàn thành”.
Điều này nhằm đảm bảo thống nhất với cấp học trên, phù hợp với cách tiếp cận của các nước tiên tiến trên thế giới, đồng thời tạo thuận lợi cho giáo viên trong quá trình biên soạn các câu hỏi/bài tập để xây dựng đề kiểm tra định kỳ.
Trong quy định về khen thưởng học sinh, dự thảo có đề cập đến hình thức “thư khen”. Cụ thể, cán bộ quản lý và giáo viên có thể gửi thư khen cho những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt.
Điều này nhằm động viên kịp thời học sinh, giúp các em có thêm động lực cùng nhau rèn luyện tu dưỡng đạo đức, trau dồi kiến thức để không ngừng tiến bộ.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo tại đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.