Theo đó, căn cứ vào kế hoạch dạy học các môn học của tổ chuyên môn, giáo viên được phân công dạy học môn học ở các khối lớp xây dựng kế hoạch giáo dục của giáo viên trong năm học. Trên cơ sở đó, xây dựng các kế hoạch bài dạy để tổ chức dạy học.
Không bắt buộc học sinh phải trang bị điện thoại di động để phục vụ học tập. Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học để hỗ trợ hoạt động học do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định; được giáo viên hướng dẫn cụ thể trong các hoạt động đã được thiết kế trong kế hoạch bài dạy sao cho không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại để sử dụng và bảo đảm yêu cầu phù hợp với nội dung học tập.
Giáo viên thông báo cụ thể yêu cầu học sinh chỉ được sử dụng điện thoại như là một thiết bị hỗ trợ hoạt động học và những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học.
Không bắt buộc phải dạy môn học ở tất cả các tuần
Đối với việc xây dựng kế hoạch thời gian thực hiện chương trình (phân phối chương trình), Bộ GD-ĐT trao quyền chủ động rất lớn cho các cơ sở giáo dục trong hướng dẫn: căn cứ vào kế hoạch thời gian năm học do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư quyết định và hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học hằng năm của Sở GD-ĐT, hiệu trưởng tổ chức xây dựng và ban hành kế hoạch thời gian thực hiện chương trình của từng môn học bắt buộc, môn học tự chọn, môn học lựa chọn, chuyên đề học tập lựa chọn, hoạt động giáo dục bắt buộc, nội dung giáo dục địa phương bảo đảm tổng số tiết/năm học quy định trong chương trình.
Đáng chú ý, văn bản của Bộ GD-ĐT nêu rõ: “Chương trình mỗi môn học ở mỗi khối lớp được bố trí phù hợp trong cả năm học. Các nhà trường chủ động bố trí thời gian thực hiện chương trình bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh (
không bắt buộc phải dạy môn học ở tất cả các tuần, không bắt buộc phải chia đều số tiết/tuần để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, nhân viên của nhà trường)”.
Dạy học tích hợp ra sao khi giáo viên vẫn theo đơn môn?
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với cấp THCS có thay đổi lớn nhất là dạy học tích hợp (thực hiện bắt đầu từ lớp 6 năm học 2021 - 2022 tới). Cụ thể, thay vì 3 môn vật lý, hóa học, sinh học như chương trình cũ, chương trình mới tích hợp thành môn khoa học tự nhiên; môn lịch sử, địa lý là 2 môn tách biệt thì sẽ gộp thành môn lịch sử và địa lý trong chương trình mới.
Dù dạy học tích hợp, liên môn, nhưng đội ngũ giáo viên hiện vẫn dạy đơn môn. Do vậy, các cơ sở giáo dục đang rất trông chờ vào hướng dẫn và tập huấn của Bộ để triển khai dạy học tích hợp.
Liên quan đến nội dung này, tại văn bản hướng dẫn vừa ban hành, Bộ GD-ĐT nêu: đối với mỗi mạch kiến thức trong các môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý cấp THCS, có thể được bắt đầu thực hiện và hoàn thành trong từng học kỳ của năm học. Ví dụ, mỗi mạch nội dung của môn khoa học tự nhiên có thể phân công cho 1 giáo viên có chuyên môn phù hợp (hoá học: chất và sự biến đổi chất; sinh học: vật sống; vật lý: năng lượng và sự biến đổi,
trái đất và bầu trời) để bắt đầu thực hiện và hoàn thành trong từng 1/2 học kỳ của năm học; mỗi mạch nội dung của môn lịch sử và địa lý có thể phân công cho một giáo viên lịch sử và một giáo viên địa lý để bắt đầu thực hiện và hoàn thành trong từng học kỳ của năm học.
Dạy học tự chọn phù hợp với khả năng của nhà trường
Đối với các môn học lựa chọn và chuyên đề học tập lựa chọn ở cấp THPT, một trong những thay đổi lớn nhất khi thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, văn bản của Bộ GD-ĐT hướng dẫn: nhà trường xây dựng một số tổ hợp gồm 5 môn học được chọn từ 3 nhóm môn học lựa chọn trong chương trình (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học) và xây dựng một số tổ hợp 3 cụm chuyên đề của 3 môn học trong chương trình phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường; đồng thời, xây dựng phương án tổ chức cho học sinh đăng ký lựa chọn và tổ chức thực hiện sao cho vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.
Bộ GD-ĐT nêu 3 mục tiêu khi ban hành văn bản hướng dẫn này.
Cụ thể: Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường bảo đảm yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục.
Phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc thực hiện chương trình; khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện các phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị hoạt động dạy học, giáo dục của nhà trường; bảo đảm tính dân chủ, thống nhất giữa các tổ chuyên môn và các tổ chức đoàn thể, phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Trước đó, khi Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, một trong những nội dung khiến dư luận tranh cãi nhiều nhất là bỏ quy định cấm HS sử dụng điện thoại di động trong giờ học.
Tại buổi họp báo quý 3/2020 do Bộ GD-ĐT tổ chức, ông Trần Quang Nam, Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ sẽ ban hành hướng dẫn để sử dụng điện thoại trong lớp học, phối hợp với các đơn vị liên quan có chuyên môn về công nghệ thông tin để kiểm soát việc sử dụng điện thoại trong lớp với mục tiêu phục vụ việc học.
Tuy nhiên, ông Nam nhấn mạnh quy định này nhằm hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, chứ không phải học sinh cứ muốn là mang điện thoại và sử dụng trong lớp học.
|
Bình luận (0)