Không miễn học phí có thu hút người giỏi vào sư phạm?

13/12/2017 19:29 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng nên có lộ trình từng bước để thực hiện bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm vốn tồn tại gần 20 năm qua.

Sáng 13.12, Văn phòng chương trình khoa học giáo dục (Bộ GD-ĐT) và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học tác động của chính sách miễn học phí với cho sinh viên sư phạm đến chất lượng tuyển sinh và đào tạo giáo viên.

Từ năm 1998, luật Giáo dục quy định học sinh và sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm không phải đóng học phí, được ưu tiên trong xét cấp học bổng, trợ cấp xã hội. Tuy nhiên theo nhiều người, sau gần 20 năm thực hiện, chính sách nhân văn này cần được điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tế.

Một kết quả nghiên cứu khá “thời sự” đã được tiến sĩ Trần Lương, Trường ĐH Cần Thơ đưa ra tại hội thảo. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã khảo sát ngẫu nhiên 95 sinh viên sư phạm đang theo học tại trường. Kết quả có tới trên 50% sinh viên chọn học sư phạm do được miễn phí. Nếu học sư phạm phải đóng học phí, sẽ có gần 56% sinh viên nói sẽ bỏ học và trên 22% người lưỡng lự trong việc lựa chọn học tiếp hay không.


Bộ GD-ĐT tự mâu thuẫn!
Việc Bộ GD-ĐT cấp phép đào tạo ngành sư phạm mầm non cho một trường ĐH ngoài công lập cũng như UBND TP.HCM kiến nghị để một số trường trung cấp không thuộc ngành sư phạm được liên kết, liên thông ngành học này khiến dư luận không khỏi lo ngại.

Ông Huỳnh Trần Hoài Đức, Giảng viên Trường CĐ Sư phạm Tây Ninh, cũng nói có tới trên 80% sinh viên được hỏi đều cho rằng miễn học phí sư phạm là cần thiết.

Ông Đức phân tích thêm: “Miễn học phí sẽ làm tăng mức cạnh tranh đầu vào với ngành sư phạm. Bên cạnh đó, sinh viên sẽ có lòng biết ơn khi được hưởng chính sách, ý thức được trách nhiệm khi ra trường”. Điều mà giảng viên này trăn trở là giải quyết được việc làm cho sinh viên mới ra trường, đồng thời với nâng cao chất lượng người thầy để củng cố niềm tin của xã hội.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Lan Phượng, Viện nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng chính sách miễn học phí hiện nay không có tác động nhiều đến thu hút người giỏi vào sư phạm vì theo khảo sát tại trường có tới 50% sinh viên chọn học ngành này vì yêu nghề. Theo bà Phượng, nếu vẫn tiếp tục duy trì chính sách này, trường đào tạo phải chịu trách nhiệm về việc những sinh viên được hưởng phải đi làm giáo viên.

tin liên quan

Bát nháo liên kết đào tạo sư phạm
Chương trình liên thông ngành giáo dục tiểu học của Trường ĐH Vinh với đối tác tại TP.HCM đang có nhiều vấn đề khiến học viên hoang mang.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thì kiên quyết đề xuất cần bỏ ngay chính sách này. Sinh viên theo học sư phạm phải đóng học phí như bình thường, những sinh viên tốt nghiệp có gắn bó với ngành giáo dục có thể hưởng lương cao hơn thay vì miễn học phí.

Theo quy định nhà nước, sinh viên sư phạm được miễn học phí nếu cam kết phục vụ ngành sau khi tốt nghiệp và người học được phân công việc làm sau khi ra trường. Tuy nhiên thực tế tất cả các khâu này đều đang không được thực hiện đúng quy định dẫn tới lãng phí rất lớn về ngân sách nhà nước. 

Trên cơ sở đó, một số ý kiến cho rằng cần có lộ trình để dừng thực hiện chính sách này. Đồng thời cần tập trung quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, giải quyết việc làm sinh viên và tăng lương cho giáo viên. Đây mới là vấn đề cốt lõi để nâng cao chất lượng người học sư phạm cũng như đội ngũ thầy cô giáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.