Ngày 9.8, thí sinh cả nước hoàn thành cả 2 môn ngữ văn, toán kỳ thi tốt nghiệp 2020 trong trạng thái thoải mái vì đề thi không khó. Với đề môn ngữ văn, các giáo viên nhận định phù hợp với tình hình hiện tại cả nước chống dịch Covid-19.
Đề văn: Trân trọng cuộc sống mỗi ngày
Bà Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), cho rằng đề thi đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Đề bài không khó nhưng quá dài, đặc biệt là câu nghị luận văn học - câu hỏi chiếm quỹ điểm cao nhất trong bài. Điều đó có thể sẽ khiến thí sinh (TS) lúng túng để hoàn thành tốt bài thi.
Bà Nguyễn Kim Anh, giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Q.Đống Đa, Hà Nội), nhận định: “Ở câu đọc hiểu, ngữ liệu đưa ra sâu sắc và ý nghĩa trong tình hình hiện tại, nhưng lại không yêu cầu TS nội dung liên quan trực tiếp đến dịch bệnh của năm nay. Vì thế, những học sinh (HS) học tủ đề theo dịch bệnh sẽ dễ ngỡ ngàng và cho rằng không liên quan. Trong khi đó, những TS biết mở rộng suy luận thì rất dễ liên hệ với tình hình những tháng qua mà toàn thế giới đã phải đối mặt.
Ở phần nghị luận văn học, bà Kim Anh cho rằng đề yêu cầu không khó vì đoạn ngữ liệu được cho trong đề khá dài và rõ ý, nên TS rất thuận lợi khi phân tích. Việc đạt điểm trung bình cho yêu cầu này là khá dễ dàng.
“Điều đáng ghi nhận nhất trong đề thi này là cả triệu học trò tuổi 18 đang cùng được giáo dục về lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, vào đúng thời kỳ mà tình cảm với quốc gia, dân tộc cần được nâng cao và nuôi nấng có chiều sâu hơn trong mỗi con người”, bà Kim Anh chia sẻ.
Tương tự, tại TP.HCM, bà Nguyễn Tuyết Nhung, giáo viên ngữ văn Trường THPT Nguyễn Hiền, nhận định: “Đề văn năm nay đúng với tinh thần thi - giống như đề tham khảo, các nội dung trong đề đều đảm bảo vừa sức, không gây khó với đa số TS. Đề thi năm nay thể hiện rõ chủ đề: trân quý cuộc sống hiện tại. Đây là một nội dung hay, gần gũi, thiết thực và có tính giáo dục”.
Giáo viên Trương Minh Đức, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), nhận xét đề không tạo cú sốc hay gây khó khăn với TS. Nội dung đi theo một chủ đề xuyên suốt đề cập đến trách nhiệm của người trẻ đối với bản thân và đất nước. Chủ đề rất phù hợp với tình hình hiện tại mà đất nước đang trải qua những ngày tháng cố gắng vượt qua dịch bệnh. Chính vì vậy mà khá nhiều giáo viên, TS đoán trúng đề, trúng phạm vi của đề.
Thầy Đỗ Đức Anh, tổ phó tổ ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), nói rằng dù đề thi hơi dài nhưng khá hay và thể hiện dụng ý của người biên soạn khi chọn nội dung “trân trọng cuộc sống mỗi ngày” trước bối cảnh dịch bệnh diễn ra trên thế giới và Việt Nam.
Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên khoa ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng đây là một đề thi "gợi nhiều suy nghĩ sâu sắc" vì ngữ liệu của đề thi hay, gắn với thực tế đời sống đang diễn ra.
Đối với phần nghị luận văn học, thạc sĩ Khôi đánh giá đây chính là nội dung phân hóa sâu sắc nhất của đề thi khi đưa ra một đoạn thơ đầy giá trị trong bài Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm.
“Đây vẫn là câu có khả năng khơi gợi cảm hứng để có thể viết hay, nhất là phần đánh giá ngắn gọn sau khi phân tích, khi nội dung nhận xét quan trọng nhất về đoạn thơ đã được cài đặt khéo léo trong dòng thơ cuối của ngữ liệu phân tích: Đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao thần thoại”, thạc sĩ Bảo Khôi chia sẻ.
Điều đáng ghi nhận nhất trong đề thi này là cả triệu học trò tuổi 18 đang cùng được giáo dục về lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, vào đúng thời kỳ mà tình cảm với quốc gia, dân tộc cần được nâng cao và nuôi nấng có chiều sâu hơn trong mỗi con ngườiNguyễn Kim Anh - Giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú - Hà Nội |
Giáo viên Trần Ngọc Tuấn, Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM, cho rằng đề thi môn văn năm nay dễ hơn đề tham khảo của 2 lần đã công bố. Cũng giống với cấu trúc đề tham khảo nhưng mức độ yêu cầu về kiến thức nhẹ nhàng hơn. Với hoàn cảnh đặc biệt của năm học này, đề thi như thế là hợp lý. Đó là sự sẻ chia khó khăn với TS, giảm bớt áp lực phần nào cho các em.
|
Đề toán: Thí sinh không khó đạt 6 - 7 điểm
Nhận xét về đề thi, các giáo viên đều cho rằng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên kiến thức ở học kỳ 2 lớp 12 đã được giảm tải, kiến thức trong đề thi ở phần này chủ yếu ở mức nhận biết và thông hiểu. Cấu trúc đề thi bám sát đề minh họa trước đó.
Ông Đinh Hữu Lâm, giáo viên dạy toán Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội), cho biết cấu trúc trong đề gồm: 35 câu đầu ở mức độ nhận biết và thông hiểu, phù hợp với mục đích xét tuyển tốt nghiệp THPT; 15 câu tiếp theo ở mức độ vận dụng và vận dụng cao phù hợp để xét duyệt vào các trường ĐH và CĐ.
Ông Lâm cũng cho rằng đề toán năm nay nhìn chung số lượng câu ở mức độ vận dụng và vận dụng cao ít hơn so với đề năm ngoái; các câu ở mức độ nhận biết và thông hiểu nhiều hơn. Do vậy, mặt bằng chung với đề thi này, các TS khá có thể đạt được 7 điểm trở lên. Để đạt điểm 8 trở lên, các TS phải thật sự có năng lực tổng hợp đánh giá và nắm thật chắc kiến thức đã học. Phổ điểm chung có thể từ 5 đến 7.
Tương tự, ông Ngân Kỳ, giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, dự đoán: “Với đề này, theo dự đoán, phổ điểm chính là 6 - 7. Số điểm 9, 10 sẽ tương đương như năm ngoái: vẫn có nhưng không nhiều”.
Còn tiến sĩ Trần Nam Dũng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM, đánh giá đề toán năm nay kiến thức chủ yếu ở lớp 11 và 12, với khoảng 40 câu đầu dễ và 10 câu khó phía sau.
"Trong 40 câu dễ thì có một nửa là rất dễ, có những câu không cần phải suy nghĩ gì vẫn có thể làm đúng. Trong 10 câu khó thì chỉ một nửa là hay, còn lại rất dở, nặng kỹ thuật, không có ý nghĩa toán học và thực tiễn. Đề này rất ít câu thông minh hay là vận dụng cao đúng nghĩa, nên không có tính phân loại cao". Theo tiến sĩ Dũng, điểm 6 sẽ chiếm đa số.
Cả toán và văn đều dễ
Không khó, không yêu cầu học thuộc lòng và chủ đề xuyên suốt gần gũi với lứa tuổi học sinh là nhận định của một số TS về đề thi môn ngữ văn. Với môn toán, phần lớn TS cho biết khá dễ.
Tại điểm thi Trường THCS Lý Thánh Tông, Q.8, TP.HCM, TS Thành Tài cho biết: “Đề văn nhẹ nhàng, câu hỏi làm văn về tư tưởng đất nước của nhân dân trong tác phẩm Đất Nước hay trình bày suy nghĩ về sự cần thiết của việc trân trọng cuộc sống mỗi ngày đều có thể liên hệ thực tiễn với bối cảnh dịch Covid-19 đang xảy ra”.
Còn Linh Nhi, học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, TP.HCM, cho rằng đề thi là cơ hội để được hiểu hơn về “sự trân trọng cuộc sống mỗi ngày” và “sống hết mình cho hiện tại”.
Tại điểm thi Trường THPT Lương Văn Can, Q.8, TS Hồng Nhung cho biết đề toán khá dễ. “Em đánh giá 35 câu đầu tiên không khó, làm chắc chắn các câu này là ăn chắc được 7 điểm rồi”.
Đa số TS Quảng Nam nhận định đề văn mở, đòi hỏi phải tư duy nhưng lại... “trúng tủ”. Riêng môn toán thì đề cũng khá dễ, có thể “ăn điểm” cao. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại 2 điểm thi (Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và Trường THPT Trần Cao Vân, TP.Tam Kỳ), một số TS rời phòng thi dù chưa hết giờ làm bài.
Thúy Hằng - Hà Ánh - Mạnh Cường
|
Bình luận (0)