Lo lắng việc làm sau khi ra trường

Lo lắng việc làm sau khi ra trường

21/02/2017 10:08 GMT+7

Theo ban giám hiệu các trường THPT tại Đạ Huoai tỉnh Lâm Đồng, Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Lâm Đồng tổ chức là chương trình tư vấn đầu tiên đến với HS huyện này.

Giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1, Trường THPT Đạ Huoai, đặt câu hỏi: “Một HS vừa thi khối A vừa thi khối C thì được nộp hồ sơ tối đa mấy nguyện vọng?”. Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, giải đáp quy chế năm nay cho phép TS không giới hạn số lượng nguyện vọng. Tuy nhiên, kinh nghiệm các năm trước cho thấy, phần đông TS đăng ký 3 - 4 nguyện vọng, có những TS chỉ đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất.
HS Lê Quang Huy đặt một câu hỏi mà rất nhiều TS quan tâm: “Hiện nay đang có trên 200.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp, 10 năm sau có thể tiếp tục tăng lên, vậy các trường ĐH có cách nào để chống lại cơn bão thất nghiệp đang xảy ra?”.
Tiến sĩ Trần Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Tài chính hải quan, cho rằng kinh tế xã hội phát triển luôn tạo ra cơ hội việc làm mới. Tuy nhiên, việc làm không tự đến mà mỗi người phải chủ động tạo cơ hội, nắm bắt. Các trường ĐH, CĐ thay đổi chương trình và phương pháp liên tục để hỗ trợ người học có đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ để chủ động tìm kiếm và tự tạo việc làm cho mình. Tiến sĩ Trần Đình Lý thông tin thêm, con số trên 200.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp hiện nay theo công bố vẫn nằm dưới mức báo động. Nếu ngay từ bây giờ HS có định hướng rõ ràng, đúng đắn trong lựa chọn nghề nghiệp thì tỷ lệ cử nhân thất nghiệp sẽ giảm đi.
Liên quan vấn đề này, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng thực tế không phải không có việc làm mà không tìm được người phù hợp. Đôi khi vấn đề nằm ở chính người lao động, thiếu kỹ năng hoặc đòi hỏi quá cao.
Một HS Trường THPT TT.Đạm Ri trăn trở: “Các nhà tuyển dụng thường hỏi khi phỏng vấn là bạn đã có bao nhiêu năm kinh nghiệm làm việc, vậy sinh viên mới ra trường làm sao để đáp ứng yêu cầu này?”.
PGS-TS Lê Hoàng Nghiêm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài nguyên môi trường TP.HCM, cho biết trong chương trình đào tạo các trường có khoảng 30% thời lượng thực hành thực địa, điều này giúp trang bị cho sinh viên kinh nghiệm chuyên môn thực tế.
"Với sinh viên mới ra trường, doanh nghiệp không đòi hỏi kinh nghiệm mà tìm kiếm người có kiến thức, kỹ năng, thái độ và có khả năng làm được việc", thạc sĩ Phạm Thái Sơn nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.