Lớp học… đảo ngược

03/01/2017 10:01 GMT+7

Quy trình tiết học ngược lại hoàn toàn với lớp học truyền thống, học sinh hoàn toàn chủ động và có thể kết nối với những lớp học ở các châu lục khác.

Học sinh không thụ động
Một tiết dạy truyền thống là giáo viên soạn bài, lên lớp giảng, học sinh (HS) ghi chép, làm bài tập. Nhưng nay, tận dụng lợi thế từ internet, mạng xã hội, một lớp học mới theo kiểu đảo ngược đã giúp HS chủ động tìm hiểu kiến thức dưới sự định hướng của giáo viên. Theo đó, lớp học sẽ diễn ra những hoạt động ngược lại, tức HS tìm hiểu bài học mới, làm bài tập theo sự phân công của giáo viên, sau đó lên lớp trình bày, thể hiện sự tiếp nhận thông qua nhiều hình thức thể hiện khác nhau.
Nhận thấy những tiết dạy về luật quá khô khan, không hiệu quả khiến HS không hứng thú, cô Lê Thị Lý, Tổ trưởng Tổ giáo dục công dân Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM), đã ứng dụng mô hình lớp học đảo ngược vào giảng dạy. HS khá phấn khích khi được trải nghiệm, thể hiện sự hiểu biết của mình.

tin liên quan

Học sinh có quyền ý kiến khác với thầy
Chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng phát triển hài hòa cả phẩm chất và năng lực, dạy người, dạy chữ, dạy nghề... nên mô hình trường học toàn diện sẽ đáp ứng yêu cầu thực học, thực nghiệp.

Để có tiết học ứng dụng hình thức mới mẻ như vậy, cô Lê Thị Lý tận dụng Facebook của mỗi lớp và tải lên đó đoạn phim ngắn bài giảng có thời gian khoảng 10 phút. Chẳng hạn với luật Bảo hiểm y tế, các thành viên của lớp sau khi theo dõi đoạn phim sẽ phân công công việc theo nhóm. Nhóm 1 có nhiệm vụ giới thiệu và giải thích những kiến thức cơ bản về bảo hiểm y tế thông qua hình thức tương tự một chương trình truyền hình hỏi - đáp pháp luật. Nhóm thứ 2 thực hiện tiểu phẩm thể hiện một tình huống thực tế về việc khó khăn khi sử dụng bảo hiểm y tế trong tình thế cấp bách nhưng không hiểu các quy định. Nhóm thứ 3 tổng hợp lại các nội dung mục đích hoạt động của 2 nhóm trước và làm nhiệm vụ tuyên truyền thông qua viết các câu khẩu hiệu, vẽ tranh cổ động... Trước khi kết thúc tiết học, giáo viên giữ vai trò gợi mở để HS thảo luận và mạnh dạn đưa ra những thắc mắc cần giải đáp.
Một HS của lớp 10 trường này bày tỏ: “Hình thức học vui, hiệu quả. Ở nhà mở máy tính theo dõi bài giảng và cùng nhau chuẩn bị nội dung cho bài học. Làm việc nhóm vừa hiệu quả vừa có dịp bổ sung kịp thời những kiến thức cho nhau”.

Đánh giá về mô hình lớp học này, bà Tô Thụy Diễm Quyên, giảng viên chương trình Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học của Bộ GD-ĐT, nói: “Phương pháp này áp dụng cho các môn học và không cho phép HS ngồi nghe thụ động nên giảm được sự nhàm chán. Mặc dù vậy, muốn quá trình đảo ngược thành công thì những bài giảng của giáo viên phải thực hiện bài bản và hấp dẫn để lôi cuốn HS. Giáo viên phải quản lý và đánh giá được việc tiếp thu kiến thức thông qua các bài tập nhỏ đi kèm”.
Kết nối thế giới
Vừa kết thúc tiết học kết nối với HS Hàn Quốc, Đặng Thị Diễm Chi, HS lớp 9 Trường THCS Đức Trí (Q.1, TP.HCM) hào hứng chia sẻ: “Lần đầu tiên chúng em được tìm hiểu văn hóa, thực tế môi trường học tập với các bạn HS nước ngoài. Thú vị là điều không phải bàn cãi nhưng đồng thời những tiết học kết nối này là cơ hội để chúng em cải thiện khả năng nghe, nói tiếng Anh”.
Trung bình mỗi tuần, HS của Trường Đức Trí lần lượt thực hiện tiết học kết nối với HS các nước như: Mỹ, Anh, Nhật, Ai Cập, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Ấn Độ… về các chủ đề phù hợp. Đó là những thời gian vừa học vừa giao lưu với các bạn đồng trang lứa các nơi trên thế giới về điều kiện tự nhiên, địa lý, văn hóa, xu hướng…

Sở dĩ Trường Đức Trí thực hiện được tiết học theo mô hình này do biết tận dụng lợi ích của trang cộng đồng dành cho giáo viên toàn thế giới do Microsoft thiết lập. Theo bà Nguyễn Thị Liễu, Hiệu phó nhà trường, giáo viên có thể tìm hiểu và tùy vào điều kiện của từng trường để tổ chức cho HS tham gia mô hình học tập mới này. Với mô hình “Lớp học huyền bí”, ban đầu, HS 2 nước đều không hề biết mình sẽ kết nối với ai mà phải lần lượt trả lời các câu hỏi về địa lý, văn hóa... Những câu hỏi đó đóng vai trò từ khóa để giúp lật mở màn hình kết nối, sau đó mới thực hiện nội dung trao đổi, tìm hiểu, giới thiệu với nhau.
Ngoài ra, còn có mô hình chuyến đi thực tế ảo. Khi có nhu cầu tổ chức chuyến đi này, giáo viên đăng ký kết nối với các công viên, địa danh trong hệ thống mà trang mạng này tổng hợp.
Thực hiện điều này, HS có cảm giác như đang đứng giữa những công viên rộng lớn tại Mỹ, Bồ Đào Nha... khi được những nhân viên của công viên cầm máy quay trực tiếp giới thiệu từng khu vực thực vật, động vật.

tin liên quan

Cậu bé vàng ước được thưởng 'một đêm ngủ cùng mẹ'
Tô Huỳnh Phúc (11 tuổi) là ứng viên nhỏ nhất trong danh sách công dân điển hình tiêu biểu trong cuộc bầu chọn Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2016. 'Em chỉ ước được thưởng một đêm ngủ cùng mẹ', Phúc chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.