Luật quy định miễn học phí, thi tốt nghiệp THPT... ra sao?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
15/02/2019 08:27 GMT+7

Chính phủ vừa có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi), đồng thời nêu quan điểm của Chính phủ về một số vấn đề trọng tâm như nâng chuẩn giáo viên, cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, quy định nhiều bộ sách giáo khoa ...

 

Miễn học phí THCS theo lộ trình, ưu tiên vùng khó khăn

Về chính sách học phí, Chính phủ cho biết đồng ý với ý kiến đa số của nhân dân và giữ quy định về học phí của dự thảo luật.
Trong đó có trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh (HS) tiểu học, THCS trường công lập không phải nộp học phí. Nhà nước bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động để thực hiện phổ cập giáo dục. Trẻ em mầm non 5 tuổi ở cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; HS tiểu học, THCS trường tư thục được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.
Mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quy định tương đương mức ngân sách cấp chi thường xuyên tính bình quân trên một HS của cơ sở giáo dục công lập cùng cấp trên địa bàn. Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với HS THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với HS THCS trường tư thục, trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách nhà nước, trước mắt ưu tiên thực hiện ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nâng chuẩn đào tạo của nhà giáo

Về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo, cơ bản có 2 loại ý kiến. Chính phủ nhất trí với nhóm ý kiến thứ nhất là sửa đổi, bổ sung quy định tại dự thảo luật về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo: có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non; có bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm đối với giáo viên tiểu học, THCS, THPT. Đối với những môn học chưa đủ giáo viên được đào tạo trình độ ĐH sư phạm thì có bằng tốt nghiệp ĐH và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, có bằng thạc sĩ và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đối với nhà giáo giảng dạy trình độ ĐH…

Cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục

Không cần có chương riêng về triết lý giáo dục
Về quy định triết lý giáo dục, Chính phủ nêu quan điểm: Không đưa vào dự thảo luật Giáo dục một chương hoặc điều với tên gọi là “triết lý giáo dục”, tiếp tục hoàn thiện điều quy định về mục tiêu giáo dục, tính chất và nguyên lý giáo dục.
Về thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, có 3 loại ý kiến. Trong đó, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo luật khi bổ sung quy định: HS học hết chương trình THPT nếu đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định tương ứng trong luật Giáo dục nghề nghiệp.
Quy định mới này nhằm khắc phục bất cập của luật Giáo dục hiện hành vì không có quy định về hình thức công nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho HS đã học xong chương trình THPT nhưng không dự thi hoặc dự thi nhưng không đỗ tốt nghiệp, chưa phân biệt giữa công nhận hoàn thành chương trình THPT và bằng tốt nghiệp THPT. Dự thảo luật cũng không có quy định việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH vì việc tuyển sinh ĐH thuộc về quyền tự chủ của các trường ĐH đã được quy định trong luật Giáo dục ĐH (sửa đổi, bổ sung).
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể điều kiện để được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông và xác định rõ mục đích của việc cấp giấy chứng nhận. Quy định này đảm bảo thực hiện được vấn đề liên thông đối với người học. Có ý kiến đề nghị dự thảo luật không nên quy định cụ thể việc thi tốt nghiệp THPT mà nên giao Bộ GD-ĐT quy định tại quy chế thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo tính linh hoạt và quản lý ngành đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
Chính phủ nhất trí với ý kiến đa số và bổ sung quy định: HS học hết chương trình THPT nếu đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông và sửa đổi quy định của luật Giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo việc phân luồng và hướng nghiệp cho HS phổ thông. Vấn đề tuyển sinh ĐH thực hiện theo quy định của luật Giáo dục ĐH (sửa đổi, bổ sung).
Ý kiến
Không có quy định riêng về triết lý giáo dục
Theo thông lệ quốc tế, không có quy định riêng nào về triết lý giáo dục trong văn bản luật thì trong tiến trình xây dựng luật Giáo dục sửa đổi không nên đặt vấn đề có một quy định về triết lý giáo dục. Vấn đề chỉ là ở chỗ xem xét chỉnh sửa, bổ sung các quy định về mục tiêu, nguyên lý và định hướng phát triển giáo dục trong luật để thể chế hóa một cách phù hợp các chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục VN trong bối cảnh mới. Trên thực tế, giáo dục VN từ trước đến nay vẫn vận động dưới sự dẫn dắt của một triết lý giáo dục. Cũng như một số nước trên thế giới, triết lý này được biểu hiện thông qua những phát biểu tường minh về sứ mệnh, mục tiêu, nguyên lý giáo dục.
Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến 
(nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT)
Phổ cập bắt buộc phải miễn học phí
Khi nói về giáo dục phổ cập bắt buộc thì trách nhiệm nhà nước phải đảm bảo các điều kiện để mọi cá nhân phải học tập nhằm đạt được một trình độ học vấn theo quy định của pháp luật. Vấn đề miễn phí phải được khẳng định rõ ở khoản 2 điều 13, khi đề cập đến trách nhiệm của nhà nước về phổ cập giáo dục bắt buộc. Nó sẽ buộc nhà nước phải cân nhắc tính toán đầy đủ khi đưa ra cấp độ giáo dục phổ cập bắt buộc, tránh tình trạng nêu mức độ không sát thực tế, không khả thi ngay từ khi ban hành quyết định. Về vấn đề thi tốt nghiệp THPT, vẫn cần kỳ thi tốt nghiệp THPT và sẽ cấp bằng tốt nghiệp.
PGS Bùi Thiện Dụ 
(Hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.