Muốn thành tiến sĩ phải có bài đăng báo hoặc báo cáo hội nghị quốc tế

10/04/2017 15:03 GMT+7

Kể từ ngày 18.5.2017, Bộ GD-ĐT yêu cầu nghiên cứu sinh muốn bảo vệ luận án tiến sĩ thì phải có bài đăng trên tạp chí, hoặc báo cáo hội nghị quốc tế có phản biện.

Bộ GD-ĐT vừa có thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, trong đó đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với nghiên cứu sinh cũng như công tác tổ chức đào tạo so với các quy định trước đây.
Theo quy chế mới, việc tổ chức đào tạo được thực hiện theo hình thức giáo dục chính quy, vì thế nghiên cứu sinh phải dành ít nhất 12 tháng theo học tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo trong giai đoạn 24 tháng đầu, đồng thời phải bắt buộc nghiên cứu khoa học. Luận án tiến sĩ là kết quả nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh, trong đó chứa đựng những đóng góp mới về lý luận và thực tiễn ở lĩnh vực chuyên môn, có giá trị trong việc phát triển, gia tăng tri thức khoa học và giải quyết trọn vẹn vấn đề đặt ra của đề tài luận án.
Tuy nhiên, để được bảo vệ luận án, nghiên cứu sinh phải là tác giả của ít nhất 2 bài báo đã được công bố về kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó có một bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus, hoặc đã công bố tối thiểu 2 báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện, hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.
Quy chế mới cũng tăng yêu cầu đối với đầu vào. Chẳng hạn, người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ phải có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên, nếu không thì phải là người đã có bằng thạc sĩ, đã có ít nhất 1 bài báo hoặc báo cáo liên quan đến lĩnh vực dự định nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành có phản biện trong thời hạn 36 tháng, tính đến ngày đăng ký dự tuyển.

tin liên quan

Đến lúc quan tâm chất lượng tiến sĩ
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết về số lượng tiến sĩ, đến thời điểm này về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu nhưng chất lượng thì còn có vấn đề.  
Ngoài ra, nếu người dự tuyển là công dân Việt Nam thì phải minh chứng được năng lực ngoại ngữ, chẳng hạn như bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng thạc sĩ do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp cho người học toàn thời gian ở nước ngoài, mà ngôn ngữ sử dụng trong quá trình học tập là tiếng Anh hoặc tiếng nước ngoài khác; hoặc có bằng tốt nghiệp đại học các ngành ngôn ngữ nước ngoài do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp; hoặc có một trong số các chứng chỉ tiếng Anh như TOEFL iBT từ 45 trở lên, IELTS (Academic Test) từ 5.0 trở lên...
Đối với người dự tuyển là công dân nước ngoài, phải có trình độ tiếng Việt tối thiểu từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài, hoặc đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ theo quy định cụ thể của cơ sở đào tạo.
Quy chế này áp dụng đối với các đại học quốc gia, đại học vùng, học viện, trường đại học (bao gồm các trường đại học thành viên của đại học quốc gia, đại học vùng) được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ và viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo), các tổ chức và cá nhân có liên quan.
Các chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ, các chương trình liên kết đào tạo trình độ tiến sĩ giữa các cơ sở đào tạo của Việt Nam với các cơ sở đào tạo của nước ngoài do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp bằng và các chương trình liên kết đào tạo trình độ tiến sĩ giữa các cơ sở đào tạo của Việt Nam với các cơ sở đào tạo của nước ngoài do hai bên cùng cấp bằng không thuộc phạm vi quy định của quy chế này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.