Thông tin này được chia sẻ trong chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình về chủ đề “Du lịch công nghệ cao: Cơ hội nào cho các ngành du lịch - nhà hàng - khách sạn?” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 25.3. Chương trình được phát trên các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.
Năm 2020, ngành du lịch VN đặt mục tiêu đón 20,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa và tổng thu từ khách du lịch đạt trên 830.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây là nhóm ngành vẫn khan hiếm lực lượng lao động được đào tạo ở bậc ĐH.
Xu hướng tích hợp công nghệ vào du lịch
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết hiện nay du lịch đang phát triển theo 3 xu hướng: du lịch bền vững, du lịch sinh thái và du lịch thông minh (còn gọi là du lịch công nghệ cao). Trong đó, xu hướng du lịch công nghệ cao gần đây mới xuất hiện, dựa vào nền tảng của công nghệ để phát triển thêm tiềm lực du lịch.
Liên quan nội dung này, ông Nguyễn Hoàng Anh Phi, Giám đốc khách sạn Thiên Hồng - Saigontourist, lý giải đây là cách ứng dụng công nghệ để tạo sự ham thích và đem tới cho khách hàng sự trải nghiệm nhiều hơn khi tham gia du lịch. Ngày nay, công nghệ ngày càng phát triển, nên các cơ sở lưu trú, loại hình du lịch cũng tăng tính ứng dụng để mang thông tin, trải nghiệm đến khách hàng sinh động hơn.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thạch, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho rằng khi tốt nghiệp một ngành, người học có thể làm nhiều vị trí công việc khác nhau. Trong quá trình học, sinh viên có thể định hướng công việc cụ thể theo những điều kiện thực tế của bản thân.
“Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, khả năng ngoại ngữ là yếu tố bắt buộc phải có với người làm nhóm ngành dịch vụ. Sinh viên có ngoại ngữ tốt thì cơ hội việc làm sẽ tốt hơn. Các trường ĐH hiện nay đều chú trọng đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên”, thạc sĩ Thạch phân tích.
Theo ông Thạch, người làm du lịch không nhất thiết phải có ngoại hình. Yếu tố cốt lõi cần có ở người hoạt động trong lĩnh vực này là sự năng động, tự tin, sáng tạo, thích giao tiếp và có khả năng kiểm soát cảm xúc bản thân tốt. Người học du lịch còn cần có sở thích đi du lịch, thích khám phá nhiều nơi, có sức khỏe, nắm được cảm xúc của khách hàng…
Ngành được ưu tiên trong tuyển sinh
Theo thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, theo danh mục đào tạo cấp 4 của Bộ GD-ĐT, nhóm ngành dịch vụ của trường gồm 3 ngành: quản trị dịch vụ du lịch lữ hành, quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng ăn uống. Khi làm hồ sơ dự thi, thí sinh cần ghi đúng mã ngành tương ứng.
“Những năm gần đây, 3 ngành trên đều thu hút nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển, tỷ lệ chọi và điểm chuẩn rất cao. Lý do, đây đang là ngành đặc thù được áp dụng nhiều cơ chế ưu tiên trong tuyển sinh và đào tạo. Năm 2019, điểm chuẩn các ngành này tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM thuộc nhóm ngành có điểm chuẩn cao bằng điểm thi THPT quốc gia, xét học bạ từ 18 - 24 điểm”, thạc sĩ Phương thông tin.
Thông tin về phương thức tuyển sinh nhóm ngành này năm 2020, theo thạc sĩ Phương, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM vừa có một số điều chỉnh về phương thức xét để phù hợp hơn với điều kiện dịch bệnh hiện tại. Theo đó, hình thức xét dựa vào điểm thi THPT quốc gia sẽ theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT. Phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng dời lại cho đến khi có thông báo chính thức. Kỳ tuyển sinh riêng do trường tổ chức sẽ lùi lại sau kỳ thi THPT quốc gia. Đặc biệt, phương thức xét tuyển học bạ trường đang nhận hồ sơ theo 2 cách: điểm trung bình lớp 12 theo điểm 3 môn theo tổ hợp; điểm trung bình 3 học kỳ (gồm 2 học kỳ lớp 11, học kỳ 1 lớp 12).
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thạch thông tin: Năm nay Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM tuyển sinh 20 ngành, theo 4 phương thức: điểm thi THPT quốc gia; điểm học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn; điểm học bạ 5 học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12) và điểm thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM. Đáng chú ý, năm nay trường dự kiến tuyển sinh thêm ngành mới là quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống.
Bình luận (0)