Nhiều địa phương chưa thể kết thúc năm học trước 31.5

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
26/05/2021 08:25 GMT+7

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các địa phương phải kết thúc năm học trước ngày 31.5.

Tuy nhiên một số nơi ở “tâm dịch” Covid-19 vẫn chưa biết có thể kết thúc năm học vào thời điểm nào, khi học sinh vẫn nghỉ học và bài kiểm tra cuối kỳ chưa hoàn thành.

Không chọn kết thúc năm học bằng hình thức trực tuyến

Những địa phương đang có dịch diễn biến phức tạp, phải cho học sinh (HS) nghỉ học khi chưa kiểm tra cuối kỳ sẽ kết thúc năm học muộn hơn quy định có thể kể tới Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam… Điều đáng nói, các địa phương này quyết định cho HS nghỉ học và hẹn lịch sẽ kiểm tra học kỳ khi trường học có thể mở cửa trở lại. Tuy nhiên, thời điểm có thể hoàn thành kế hoạch năm học là khi nào thì chưa thể biết do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Không cần bài kiểm tra cuối kỳ với học sinh là F0

Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc đã cho phép áp dụng kiểm tra trực tuyến đồng loạt để kết thúc năm học đúng lịch của Bộ GD-ĐT.
Đáng chú ý, tỉnh này đưa ra các phương án khác nhau với từng đối tượng HS, trong đó có cả việc cho phép miễn làm bài kiểm tra học kỳ với HS là F0. Thay vào đó, giáo viên dạy môn học căn cứ vào kết quả học kỳ 1, điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ đã thực hiện ở học kỳ 2 để đánh giá kết quả môn học sau học kỳ 2, cả năm học.

Với HS là F1 hoặc nghi nhiễm, đi về từ vùng dịch, nhà trường tạo điều kiện cho HS học tập, kiểm tra trực tuyến, hoặc hiệu trưởng nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức ôn tập, kiểm tra, đánh giá sau khi HS hết thời gian cách ly tập trung.
Tại Hà Nam, ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết đã yêu cầu các cơ sở giáo dục tạm dừng tất cả hoạt động dạy, học (kể cả dạy, học trực tuyến) đối với bậc tiểu học và các lớp 6, 7, 8, 10, 11 cho đến khi có thông báo mới dù chưa hoàn thành chương trình kế hoạch năm học. Lý giải về điều này, ông Tuấn cho biết sau kỳ nghỉ lễ 30.4, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường trong toàn tỉnh dạy học trực tuyến từ ngày 3 - 16.5. Việc dạy học trực tuyến đã mang lại hiệu quả nhất định, nhưng không đồng đều ở các cấp học, địa bàn. Nơi nào làm tốt cũng chỉ có khoảng 80% HS được học trực tuyến một cách thường xuyên, tỷ lệ này ở các khu vực nông thôn thấp hơn rất nhiều. “Chủ trương của ngành là sẽ không kết thúc chương trình năm học bằng hình thức trực tuyến vì còn nhiều HS không có điều kiện học trực tuyến. Việc hoàn thành chương trình, kết thúc năm học sẽ thực hiện khi điều kiện cho phép HS tới trường”, ông Tuấn chia sẻ.
Ông Tuấn cũng cho biết thời gian kết thúc năm học ở Hà Nam sẽ kéo dài hơn chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các trường có nhiệm vụ hoàn thành nốt kiến thức và tổ chức kiểm tra, đánh giá cuối năm khi HS đi học trở lại. Dự kiến chỉ cần tập trung dạy và học trong khoảng 1 - 2 tuần nữa là có thể kết thúc năm học.

Dồn nguồn lực cho học sinh lớp 9 và lớp 12

Bắc Ninh, một trong những địa phương có dịch bệnh phức tạp nhất cả nước, hàng tháng qua HS chưa thể đến trường. Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh này cho biết về cơ bản HS lớp 9 và lớp 12 đã hoàn thành bài kiểm tra cuối năm. Với các khối lớp còn lại thì hầu như vẫn dở dang. Mới đây, Sở GD-ĐT có chỉ đạo ngắn gọn: “Các đơn vị tiếp tục bảo quản đề kiểm tra theo chế độ bảo mật; lịch kiểm tra sẽ được điều chỉnh phù hợp với khung chương trình năm học tùy theo diễn biến tình hình dịch Covid-19. Sở GD-ĐT sẽ có hướng dẫn điều chỉnh thời gian, kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình thực tế”.

Đề nghị Bộ sớm có phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT nhiều đợt

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Bắc Giang đến ngày 23.5, có 1 giáo viên cấp THPT mắc Covid-19; số cán bộ, giáo viên thuộc diện phải cách ly y tế là 1.516. Đối với HS lớp 12, có tới 9.147 em thuộc diện phải cách ly y tế.

Ông Bạch Đăng Khoa, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, cho biết: Thực tế này tạo ra khó khăn rất lớn cho ngành trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhiều cán bộ, giáo viên trong các khâu của kỳ thi đang phải cách ly; hàng ngàn HS là F0, F1, F2, F3 đang bị ảnh hưởng đến chất lượng ôn tập và đến thời điểm thi có thể HS vẫn còn trong khu cách ly, phong tỏa.
Sở GD-ĐT đề nghị Bộ GD-ĐT sớm có phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo các đợt khác nhau. Trong đó ở các địa phương là điểm nóng cần có đợt thi riêng cho đối tượng HS đang phải cách ly, hoặc ở trong khu vực phong tỏa.
Ông Trần Tuấn Nam, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh này, chia sẻ: “Kỳ thi năm nay là một kỳ thi đặc biệt, diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt khó khăn khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, Bắc Giang là điểm nóng của cả nước. Sở GD-ĐT cũng đã lên phương án chi tiết cho việc tổ chức kỳ thi, trước hết là tổ chức cho HS đủ điều kiện tham gia thi đợt 1 theo lịch của Bộ GD-ĐT, số HS còn lại sẽ tổ chức thi đợt 2 và xem xét cả phương án tổ chức thi cho HS đang phải cách ly hoặc trong vùng bị cách ly.
Trước đó, Hà Nội đã cho HS nghỉ học từ ngày 15.5 và sẽ kiểm tra học kỳ 2 khi HS trở lại trường. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT không áp dụng quy định này đồng loạt mà cho phép thực hiện kiểm tra trực tuyến đối với cơ sở giáo dục có nhu cầu và đảm bảo được các điều kiện về tính trung thực, khách quan về kết quả của hình thức kiểm tra này.
Hoạt động dạy và học trực tuyến được các địa phương áp dụng và dồn nguồn lực cho HS lớp 9 và lớp 12 để chuẩn bị thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp và xét tuyển CĐ, ĐH.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết theo báo cáo của các sở GD-ĐT thì hầu hết đều đảm bảo hoàn thành chương trình và kết thúc năm học trước 31.5. Một số địa phương chưa thể kết thúc năm học trong tháng 5 là Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam. Trước đó, Bộ GD-ĐT đã có văn bản đề nghị với một số địa phương có dịch Covid-19 phức tạp thì sở GD-ĐT chủ động tham mưu với UBND cấp tỉnh về thời gian nghỉ học và thời gian kéo dài năm học.

Phụ huynh, học sinh xem thông tin tuyển sinh vào lớp 10 công lập ở Hà Nội năm 2020

T.N

Lùi lịch thi lớp 10 hay có phương án thi mới ?

Ngày 24.5, trong thông báo kết luận của lãnh đạo UBND TP.Hà Nội về tổ chức thi tuyển sinh đầu cấp năm học 2021 - 2022, lịch thi vào lớp 10 sẽ vẫn giữ nguyên như kế hoạch. UBND TP.Hà Nội yêu cầu Sở GD-ĐT xây dựng phương án đối với HS là đối tượng F0, F1, F2 và các đối tượng khác đang được điều trị, cách ly, phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19 tại thời điểm kỳ thi diễn ra.
Tuy nhiên, các trường THPT chuyên thuộc các trường ĐH trên địa bàn Hà Nội đều đã thông báo hoãn lịch thi vào lớp 10.
Ngày 24.5, Trường THPT chuyên Sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) thông báo chưa thể tổ chức thi vào ngày 2 - 3.6 như kế hoạch đã công bố. Trước đó, các trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên và THPT chuyên Khoa học xã hội (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng đã quyết định lùi lịch mà chưa có thời gian cụ thể.
Trong ngày 24.5, tỉnh Thái Bình thông báo lùi lịch thi tuyển sinh vào lớp 10. Cụ thể, thời gian thi THPT chuyên tổ chức vào 2 ngày 5 - 6.6 (lịch thi trước đây là 27 - 28.5); lịch thi lớp 10 công lập đại trà được tổ chức vào 2 ngày 19 - 20.6 thay vì 8 - 9.6 như công bố trước khi có dịch.
Bắc Ninh cũng thông báo lùi lịch thi nhưng chưa biết lùi đến thời điểm nào. Theo kế hoạch trước đó, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của tỉnh dự kiến diễn ra từ 8 - 10.6. Trong văn bản mới phát đi, Sở GD-ĐT Bắc Ninh yêu cầu các trường THPT công lập phát hành hồ sơ đăng ký dự thi từ 15 - 30.6 và có phương án cho HS đăng ký trực tuyến nếu dịch bệnh chưa kết thúc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.