Nỗi lo dinh dưỡng học đường - Bài 2: Chưa quan tâm đến 'ăn khoa học'

29/03/2016 08:35 GMT+7

Các cán bộ quản lý giáo dục thừa nhận, hiện các trường học mới chỉ lo 'ăn an toàn' chứ chưa quan tâm được khía cạnh 'ăn khoa học'.

Các cán bộ quản lý giáo dục thừa nhận, hiện các trường học mới chỉ lo 'ăn an toàn' chứ chưa quan tâm được khía cạnh 'ăn khoa học'.

Thói quen ăn đồ ăn nhanh nhiều chất béo, đang đe dọa sức khỏe của học sinh - Ảnh Ngọc ThắngThói quen ăn đồ ăn nhanh nhiều chất béo, đang đe dọa sức khỏe của học sinh - Ảnh Ngọc Thắng
Chọn món bằng… kinh nghiệm
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội, số học sinh tiểu học của thành phố được ăn trưa tại trường càng gia tăng. Hiện có gần 400 trường tiểu học (trong tổng số 700 trường) đã tổ chức ăn bán trú, nhưng trong đó chỉ hơn một nửa có bếp ăn riêng, số còn lại tuy học sinh vẫn được ăn trưa tại trường, nhưng nhà trường phải đặt suất ăn từ các doanh nghiệp. “Ở bậc tiểu học, do việc tổ chức ăn bán trú cho học sinh không phải là nhiệm vụ bắt buộc của nhà trường, mà là nhiệm vụ phát sinh nhằm phục vụ nhu cầu của học sinh, nên chưa có điều kiện đầu tư, triển khai bài bản. Tuy nhiên, với mục tiêu tiến tới 100% học sinh tiểu học được học bán trú và xu hướng gia tăng nhu cầu cho con ăn bán trú của phụ huynh hiện nay, đã đến lúc việc tổ chức ăn trưa ở trường tiểu học cần được làm bài bản, có chuyên môn hơn. Đúng là cho tới nay, các trường mới chỉ quan tâm kiểm soát vệ sinh thực phẩm, để “ăn an toàn” mà chưa lo được việc ăn uống khoa học”, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết.
Nhiều hiệu trưởng trường tiểu học cũng chia sẻ, do không có cán bộ chuyên môn về dinh dưỡng, nên việc lên thực đơn hàng ngày cho học sinh ăn bán trú cũng là một vấn đề khiến lãnh đạo các trường “đau đầu”. Bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B, Q.Ba Đình cho biết, vì trường đặt suất ăn qua một doanh nghiệp, nên cuối tuần nào ban giám hiệu nhà trường cũng ngồi lại với đại diện công ty để lên phương án cho thực đơn tuần tới. Do thiếu cán bộ tư vấn có chuyên môn về dinh dưỡng, nên việc chọn món thường căn cứ vào kinh nghiệm, cảm thấy những món nào “đủ chất” và phù hợp với khẩu vị học sinh là đưa vào. “Điều chúng tôi quan tâm số một là vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì thế chúng tôi luôn bắt buộc doanh nghiệp chế biến thức ăn phải từ những nguyên liệu “sạch”, có nguồn gốc”, bà Yến nói.
Nguy cơ mắc bệnh khi trưởng thành
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, các nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng cho thấy, qua khảo sát ở một số tỉnh, thành phố (trong đó có Hà Nội), bữa ăn trong các trường tiểu học chưa cân đối, đồ ăn tuy phong phú và có thể đủ năng lượng (thậm chí ở nhiều nơi là thừa) nhưng lại thiếu vitamin và khoáng chất. “Hiện nay chiều cao thanh niên VN thấp hơn 8 - 10 cm so với Trung Quốc, Nhật Bản, trong khi tiềm năng di truyền của người Việt không phải thấp bé. Có những nghiên cứu ở Pháp, tiến hành trên những trẻ em bố mẹ Việt, sinh ra ở châu Âu, được theo dõi từ sơ sinh đến 18 tuổi thì các cháu phát triển giống như trẻ con Pháp”, PGS-TS.Nguyễn Thị Lâm, Phó giám đốc Viện Dinh dưỡng cho hay.
Đặc biệt, thói quen lựa chọn thực phẩm của học sinh thành phố hiện rất có vấn đề. Các cháu hay chọn những thức ăn nhanh. Quanh cổng trường hay có các hàng quán bán đồ ăn vặt giàu đường, giàu chất béo, giàu tinh bột và nhiều phụ gia độc hại. Trong khi đó các trường tổ chức ăn bán trú khi lựa chọn thực đơn lại thường có xu hướng chiều theo thói quen này. “Sữa rất tốt cho học sinh, nhưng trên thị trường sữa của ta, sữa nước chứa trong hộp bán cho các cháu lại thường rất ngọt. Một nghiên cứu gần đây cho thấy 46% lượng đường được tiêu thụ mỗi ngày của học sinh VN là đường có trong sữa mà các cháu uống hàng ngày. Ở Úc hay ở Nhật, học sinh chỉ uống sữa tươi không đường. Ở ta, trẻ con quen uống ngọt từ rất lâu, cho nên nếu cung cấp sữa không đường, các bạn ấy không chấp nhận”, TS.Bùi Thị Nhung, Viện Dinh dưỡng nhận xét.
Thói quen ăn uống thiếu khoa học còn xuất phát từ phụ huynh. Theo hiệu trưởng một trường tiểu học Q.Thanh Xuân, đầu năm học 2015 - 2016 trường cũng tham gia một dự án thí điểm về dinh dưỡng học đường của thành phố. Tuy nhiên, chương trình thí điểm chỉ kéo dài 2 tuần, sau đó nhà trường lại phải tự lên thực đơn cho học sinh (có tham khảo thực đơn của dự án). Lý do là phụ huynh và học sinh không chịu từ bỏ thói quen ăn uống đang có sẵn. “Thực đơn của dự án dù bữa ăn đủ chất, đủ năng lượng, nhưng lại không phù hợp với thói quen ăn “chắc dạ” (nhiều cơm, nhiều tinh bột) của nhiều học sinh”, vị hiệu trưởng này cho biết.
Theo PGS-TS.Nguyễn Thị Lâm, Phó giám đốc Viện Dinh dưỡng, những năm gần đây, hiện tượng đáng lo ngại là sự gia tăng tỉ lệ học sinh thừa cân, béo phì. “Ở Hà Nội, dinh dưỡng với lứa tuổi học đường ngày càng tốt hơn, vì thế tỉ lệ các cháu nhẹ cân, thấp còi chỉ còn ở mức khoảng 2 - 3%. Nhưng đáng báo động là tỉ lệ thừa cân béo phì tăng rất nhanh. Tại một số trường học khu vực nội thành, nếu như năm 2003, tỉ lệ học sinh có biểu hiện thừa cân béo phì là 8% thì gần đây tăng lên thành 40,7% (khu vực nông thôn là 16 - 22%). Vấn đề là các cháu tuy thừa cân nhưng lại thiếu chất (thiếu can xi, vitamin và các vi chất). Ở ta chưa có các nghiên cứu cụ thể, nhưng theo kinh nghiệm của các nước thì trẻ thừa cân béo phì tiềm ẩn các nguy cơ phát sinh bệnh khi trưởng thành. 10-15 năm sau, các cháu dễ bị các bệnh tiểu đường, tim mạch”, bà Lâm cảnh báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.