Cho con ăn bán trú ở trường, nhiều phụ huynh Hà Nội canh cánh nỗi lo bữa ăn kém chất lượng, vừa không có lợi cho sức khỏe của trẻ, vừa lãng phí.
Sự lệch lạc trong thói quen ăn uống cùng bữa ăn ăn thiếu khoa học ở trường đã khiến tỉ lệ trẻ béo phì ở Hà Nội gia tăng nhanh. - Ảnh: Ngọc Thắng |
Con tăng cân, chưa kịp mừng đã phải lo
Chị Lan (nhà ở tổ 15 P.Phúc Đồng, Q.Long Biên) có cậu con trai đang học lớp 2 một trường tiểu học trong quận. Theo chị Lan, cháu vốn biếng ăn, thể trạng lại gầy, nên chị rất lo khi con bắt đầu vào lớp 1. Sau khi nhập học chưa đến một kỳ, con tăng một lèo 3 kg khiến chị rất phấn khởi. Nhưng hiện nay, tình trạng “hạp” đồ ăn ở trường của con là một vấn đề khiến chị Lan đau đầu.
“Thực đơn ở trường rất nhiều bữa thịt. Thỉnh thoảng có cá thì lại cá tẩm bột rán. Bữa phụ thì liên miên là bánh ngọt, hoặc sữa có đường rất ngọt, có hôm còn có cả bim bim. Tôi cũng từng trao đổi với cô giáo chủ nhiệm, cô cũng gật đầu hứa sẽ lưu ý nhưng rồi chẳng giải quyết được vấn đề gì, vì cả trường phải ăn chung một chế độ. Có chăng cô chỉ nhắc những con nào to béo thì tăng cường ăn rau”, chị Lan than thở.
Chị Lan không phải là trường hợp cá biệt khi hễ nói đến bữa ăn bán trú ở trường con học là bức xúc. “Theo dõi bữa ăn của cháu lớn (nay đã học lớp 6) kể từ ngày con vào lớp 1 đến nay, tôi thấy mô típ thực đơn gần như không thay đổi. Bữa trưa bao phủ suốt cả tuần là món thịt băm rang và đậu phụ rim. Thỉnh thoảng xen kẽ là thịt gà rán, cá phủ bột rán, trứng kho thịt lợn sấn. Bữa phụ phổ biến là các loại bánh ngọt, bánh kem loại hàng chợ của các nhãn hàng bánh kẹo thông dụng và sữa có đường”, chị Hương, một phụ huynh Trường Tiểu học Kim Liên, Q.Đống Đa nhận xét.
Chị Hải, phụ huynh có con học ở Trường Tiểu học Quang Trung, Q.Hoàn Kiếm thì ngạc nhiên không hiểu tại sao đồ ăn bữa phụ được cung ứng cho các trường học lại ngọt đến thế. “Có thể với một số loại sữa thì họ không thể lựa chọn, nhưng với sữa TH chẳng hạn, có loại ít đường sao họ không mua cho các cháu mà bắt các cháu uống loại có đường? Với các loại bánh ngọt được bày bán trên thị trường, nhà sản xuất cho rất nhiều đường vào để bảo quản được lâu đã đành, nhưng với bánh ngọt cung cấp cho các cháu việc gì phải thế khi mà lượng tiêu thụ rất lớn và nằm trong kế hoạch”, chị Hải băn khoăn.
“Lại thịt băm!”
Ngược lại với những phụ huynh có con “háu ăn”, nguy cơ mắc bệnh béo phì cao do nhiều trường lạm dụng đồ chiên rán, bánh ngọt, một số phụ huynh có con lười ăn cho biết họ “nản” đến mức gần như không còn quan tâm tới bữa ăn bán trú của con ở trường. “Mấy năm qua, con tôi luôn thuộc top ăn chậm ở trường, dù các cô cho phép con lấy lượng suất ăn theo nhu cầu nhưng con vẫn chưa bao giờ ăn hết suất. Bữa phụ của con (thường là các loại bánh) thì luôn để nát bét ở trong cặp, cứ cuối tuần mẹ lại lôi ra tống vào thùng rác luôn một thể”, một phụ huynh Trường Tiểu học Tây Sơn, Q.Hai Bà Trưng cho biết.
Sự nhàm chán của đồ ăn và việc bố trí cứng nhắc thực đơn trong tuần cũng là một nguyên nhân khiến nhiều học sinh sợ… đồ ăn ở trường. Cháu Trần H.N, một học sinh khối 5 Trường Tiểu học Quang Trung, Q.Hoàn Kiếm cho biết: “Mỗi lần ngồi vào bàn ăn, chúng cháu lại ngao ngán bảo nhau: lại thịt băm! Có tuần bọn cháu đếm được 4 bữa có món thịt băm trong tổng số 5 bữa ăn trưa ở trường”.
Nhiều phụ huynh cũng cho biết, vì các con đều có tâm lý nhàm chán với đồ ăn ở trường, cộng thêm việc các cô giáo giám sát không xuể nên hiện tượng lấy sữa đổi đồ chơi hoặc đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc với người bán quà vặt ngoài cổng trường giờ tan học khá phổ biến. Có những bạn hay bị các bạn trêu do béo phì, trưa nào cũng xin thêm rau để ăn cho đỡ béo, nhưng thấy các bạn đổi sữa lấy bim bim ngoài cổng trường, vẫn hào hứng tham gia. “Con tôi kể giờ ra chơi có hôm các bạn lấy hộp sữa chọc thủng một lỗ để làm thành súng phun nước bắn nhau ướt nhoe nhoét cả quần áo”, một phụ huynh Trường Tiểu học Kim Liên chia sẻ.
Bình luận (0)