Nhiều trường từ mầm non đến tiểu học ở TP.HCM tăng cường các hoạt động nhằm giúp trẻ dư cân “đốt năng lượng”.
Học sinh tham gia CLB chống thừa cân, béo phì ở Trường tiểu học Phan Chu Trinh (Q.Tân Phú) - Ảnh: B.Thanh |
Sau giờ tập thể dục toàn trường buổi sáng, những học sinh dư cân ở các nhóm lớp từ 3 tuổi trở lên của Trường mầm non Vàng Anh (Q.5, TP.HCM) tiếp tục lên phòng chức năng để tập các bài vận động. Giáo viên chia các bé thành từng nhóm nhỏ lần lượt chạy, vượt chướng ngại vật, leo thang dây… trong vòng 15 phút.
Một giáo viên Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q.1) cho biết ngay từ đầu năm học, bảo mẫu của trường đã lưu ý chế độ ăn cho các bé bằng cách giảm khẩu phần cơm, tăng canh rau.
Còn ở Trường tiểu học Phan Chu Trinh (Q.Tân Phú), hằng tuần, vào thứ ba và thứ năm, câu lạc bộ (CLB) chống thừa cân, béo phì hoạt động trong vòng 1 tiếng đồng hồ thu hút hơn 40 học sinh tham gia. Giáo viên thể dục Nguyễn Tấn Trung được nhà trường phân công phụ trách, có nhiệm vụ tìm những bài tập, dụng cụ thể dục phù hợp với nội dung và lứa tuổi học sinh tiểu học. Thầy giáo Tấn Trung cho biết: “Các bài tập vận động chủ yếu tác động đến phần bụng, bắp đùi và giúp các em săn chắc, tiêu hao năng lượng”.
Sở dĩ nhà trường phải thành lập CLB có tên gọi đặc trưng và có phần đặc biệt như trên bởi theo bà Đỗ Thị Sửu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Chu Trinh: “Hằng năm, trường đều tổ chức khám sức khỏe cho học sinh lớp 1 thì thấy số lượng học sinh béo phì mỗi năm mỗi tăng. Vì vậy, ngoài các CLB như: bóng đá, bóng rổ… trường tổ chức CLB chống thừa cân, béo phì để phụ huynh tự nguyện đăng ký cho con tập luyện khi có nhu cầu”. Theo thống kê, hiện trường có khoảng gần 200 học sinh ở tình trạng dư cân trong tổng số gần 4.000 học sinh.
Cũng theo bà Sửu, phần lớn phụ huynh đều lo lắng khi con có tình trạng thừa cân nhưng lại không có biện pháp phối hợp khắc phục vì thương con. Chẳng hạn, một phụ huynh có con học lớp 1 (cao 1,25 m, nặng 40 kg) tham gia CLB của Trường Phan Chu Trinh tâm sự: “Ngày nhỏ cháu biếng ăn, lại hay nôn ói nên khi thấy con ăn được mừng lắm, thấy con mũm mĩm thì thích vô cùng. Cháu thích món gì là cho ăn món đó, nhiều khi tối muộn cũng nhờ ba chạy xe ra đường mua món bé thích. Dần dần như vậy mà bé tăng ký vùn vụt. Giờ vừa phải cho tham gia CLB, vừa phải cho học bơi vào các ngày cuối tuần…”.
Ý kiến
Phải kiên trì
Tuần qua chúng tôi tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 30 - 40 trẻ thừa cân, béo phì. Đa số phụ huynh đều tìm đến bác sĩ với mong muốn giúp con giảm cân để tránh những hệ quả xấu mà thừa cân gây ra, nhưng có rất ít phụ huynh đưa trẻ tái khám, kiên trì theo đúng chế độ dinh dưỡng và vận động mà bác sĩ hướng dẫn. Đa số phụ huynh đều mong muốn tìm đến khoa để có được các loại thuốc giảm cân nhanh chóng giúp trẻ xuống ký. Nhưng thuốc giảm cân lại không được khuyến khích dùng ở trẻ nên các phụ huynh thường nản lòng sớm, bỏ không theo quá trình điều trị.
Bác sĩ Hoàng Thị Thanh Thủy
(Phó khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) Kiểm soát thời gian ngồi trước màn hình
Đối với trẻ béo phì, phụ huynh nên quan tâm hơn đến suy nghĩ của trẻ, động viên, khuyến khích trẻ cùng vận động với mình (đi thang bộ, đi chợ, đi siêu thị, dã ngoại cùng bạn bè...). Nên hạn chế ăn các loại bánh kẹo ngọt, nước ngọt, thay vào đó nên ăn nhiều trái cây.
Giảm thời gian ngồi trước màn hình (xem ti vi, sử dụng máy tính, máy tính bảng...). Theo khuyến cáo của Hội Nhi khoa Mỹ, thời gian ngồi trước màn hình của trẻ trên 2 tuổi là dưới 2 giờ mỗi ngày.
Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên
(Khoa Dinh dưỡng tiết chế Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM) Lương Ngọc (ghi)
|
Bình luận (0)