Ông Nguyễn Đức Chung: Hà Nội phải có trường đạt chuẩn quốc tế

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
12/08/2019 19:40 GMT+7

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho rằng “không có lý do gì mà những trường như Trường THPT Chu Văn An, đã đào tạo ra những nguyên thủ quốc gia, mà không đạt chuẩn quốc tế ”.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức hôm nay, 12.8, ông Nguyễn Đức Chung nhiều lần nhấn mạnh tới yêu cầu giáo dục của thành phố phải hội nhập quốc tế, phải có những trường đạt chuẩn quốc tế.

Hệ song bằng để ra nước ngoài không phải học thêm

Một trong những động thái để đưa giáo dục Thủ đô hội nhập quốc tế, theo ông Nguyễn Đức Chung, là việc đào tạo hệ song bằng ở một loạt trường THPT và THCS công lập của thành phố. Tham gia học chương trình, học sinh sẽ học song song chương trình quốc gia Việt Nam và chương trình giáo dục của Cambridge.
Ông Chung cho biết, năm nay là năm bắt đầu đánh giá được kết quả của hệ đào tạo song bằng khi có “lứa” học sinh đầu tiên ở Trường THPT Chu Văn An ra trường, đã có 43/50 học sinh thi lấy bằng quốc tế đạt kết quả đáng mừng.
Lý giải tại sao lại triển khai chương trình song bằng, ông Chung khẳng định: “Không có lý do gì mà TP.Hà Nội mỗi năm có vài ba ngàn học sinh đi du học, nhưng khi sang nước ngoài thì hầu hết đều phải học thêm 1 - 2 năm để có thể theo học được ở các trường đại học, mỗi gia đình mất thêm ít nhất 50.000 - 60.000 USD. Do vậy, việc đào tạo hệ song bằng ngay khi học THPT ở trong nước tạo điều kiện để các cháu bước thẳng vào các trường đại học ở trên thế giới mà không cần học bổ sung thêm. Như vậy là chúng ta đã giúp tiếp kiệm của cải cho xã hội, cho bố mẹ học sinh”.
Bên cạnh đó, theo ông Chung, chúng ta hội nhập quốc tế thì phải có những trường đạt chuẩn quốc tế. “Không có lý do gì mà những trường như trường THPT Chu Văn An đã đào tạo ra những nguyên thủ quốc gia mà không đạt chuẩn quốc tế. Chúng ta phải suy nghĩ về điều đó”, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, ông Chung đề nghị Bộ GD-ĐT khi cho phép triển khai chương trình song bằng thì cũng cho phép tích hợp 2 chương trình giống như các nước đã làm. Ví dụ, đến lớp 10 THPT là có thể cho phép học sinh lựa chọn, nếu học chương trình trong nước để lấy bằng tú tài Việt Nam thì học bao nhiêu môn; nếu thích lấy bằng tú tài quốc tế thì học thêm những môn gì để trên cơ sở đó đào tạo phù hợp với năng lực, nhu cầu của từng gia đình, từng cháu học sinh, giúp phân luồng và rút ngắn thời gian học tập cho học sinh.
Theo ông Chung, hiện ngay cả chuyên gia giáo dục và bản thân những người có con em đi học thì cũng thấy rằng chương trình mà các em học quá tải về kiến thức nhưng thiếu rất nhiều kỹ năng. "Lẽ ra các cháu học sinh khi tốt nghiệp lớp 12, đủ tuổi trở thành một công dân thì phải hiểu được trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân, thông thạo luật Giao thông đường bộ và phải có bằng lái xe mô tô, ô tô. Các nước đã làm thành công thì chúng ta nên vận dụng, làm sao để tích hợp được tất cả những cái đó vào trường phổ thông để tiết kiệm thời gian, công sức học tập cho học sinh", ông Chung nêu quan điểm.

Phụ huynh trường "Ams" sẵn sàng đóng trọn gói?

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng dẫn Nghị quyết của HĐND thành phố cho hay, sang năm Hà Nội sẽ có 18 trường công lập chất lượng cao. Chất lượng cao ở đây không phải chỉ là cơ sở vật chất mà là chất lượng sản phẩm giáo dục của chúng ta sau này ra trường, trở thành những người thành đạt
"Với cơ chế của Thủ đô như hiện nay, theo quan điểm chỉ đạo của Bí thư Thành ủy thì chúng tôi cũng khuyến khích một số trường như Trường Hà Nội - Amsterdam, Chu Văn An… và một loạt các trường cần mạnh dạn đề xuất cơ chế tự chủ. Thành phố sẵn sàng tạo điều kiện để các trường tạo ra cơ chế tự chủ. Tôi đã thăm dò phụ huynh học sinh và tin rằng phụ huynh của các trường này sẵn sàng đóng trọn gói nếu các trường đưa ra chương trình đào tạo và cơ chế minh bạch, có sự giám sát của phụ huynh học sinh”, ông Chung thông tin.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội, từ năm 2017, ngành GD-ĐT thành phố đã triển khai thực hiện tốt Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc - chứng chỉ A Level tại Trường THTP Chu Văn An, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam; chương trình song bằng THCS (cấp chứng chỉ IGCSE) tại 7 trường THCS công lập trên địa bàn.
Ngành GD-ĐT Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 197 giải và huy chương quốc tế năm 2018, 134 giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2019... trong đó có 2 học sinh giành huy chương vàng và 1 học sinh giành huy chương bạc các kỳ thi Olympic quốc tế các môn toán, lý, hóa...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.