Quy tắc ứng xử trong trường học không cấm sử dụng mạng xã hội để phản biện

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
06/05/2019 10:37 GMT+7

Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, giải thích với Thanh Niên trước lo ngại cho rằng Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục cấm giáo viên, học sinh sử dụng mạng xã hội làm ảnh hưởng xấu tới môi trường giáo dục.

Thưa bà, vì sao Bộ GD-ĐT lại ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục trong khi trên thực tế, nhiều trường học lâu nay đã có và thực hiện theo các quy tắc ứng xử này?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa: Theo báo cáo của các sở GD-ĐT, đến năm 2018, đã có 68,7% số trường phổ thông ban hành và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa, trong đó, 54,6% số trường thực hiện nghiêm túc và có chế tài xử lý vi phạm hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số bộ quy tắc ứng xử trong các trường học có hình thức, nội dung chưa đầy đủ, chung chung, dẫn tới việc triển khai quy tắc ứng xử nhiều nơi chưa thực chất, hiệu quả, chưa phát huy tác dụng trong việc xây dựng văn hóa học đường.
Bên cạnh đó, thời gian qua, những tác động của mặt trái kinh tế thị trường, tác động tiêu cực của môi trường mạng đã dẫn tới một bộ phận thanh niên nói chung, học sinh nói riêng, có ứng xử lệch chuẩn, một số giáo viên thiếu chuẩn mực trong ứng xử, cá biệt có giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, tình trạng bạo lực học đường diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến thể chất tinh thần học sinh, môi trường giáo dục.
Tôi tin rằng, với việc ban hành Thông tư 06, lần đầu tiên quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục, được thể hiện qua ngôn ngữ, trang phục, hành vi ứng xử của các chủ thể trong cơ sở giáo dục được ban hành chính thức, dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật, hiệu lực thi hành sẽ cao hơn các văn bản chỉ đạo trước đây của Bộ GD-ĐT.
Thông tư sẽ là một thiết chế quan trọng để các nhà trường tăng cường nền nếp, kỷ cương, kỷ luật, xây dựng văn hóa trường học; trong đó xác định vai trò, trách nhiệm, quy định ứng xử cụ thể cho tất cả các chủ thể, nhất là vai trò nêu gương của cán bộ quản lý trường học, giáo viên.
Sau khi thông tư trên ban hành, có những ý kiến trái chiều liên quan đến nội dung về sử dụng mạng xã hội tại điều 4 quy định quy tắc ứng xử chung. Có giáo viên lo ngại cho rằng, Bộ GD-ĐT cấm giáo viên, học sinh được quyền nêu ý kiến và phản biện về những vấn đề còn bất cập, chưa tốt liên quan đến ngành GD-ĐT?
Khi xây dựng quy định này, chúng tôi đã rất cân nhắc và tham khảo các luật, quy định có liên quan. Đồng thời, tham khảo những đánh giá, khảo sát khách quan về tác động của việc sử dụng mạng xã hội đối với giới trẻ, trong đó có học sinh.
Chúng ta đều biết, khi tham gia mạng xã hội, bên cạnh những thông tin tốt, tích cực, cũng có không ít thông tin xấu, độc hại, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ. Không ít phụ huynh đã bày tỏ sự lo lắng trước việc không thể quản lý con em mình sử dụng mạng xã hội.
Ví dụ, sự việc một nữ sinh ở Nghệ An tung tin xuyên tạc lên mạng về một nữ sinh khác (cùng trường) có bầu, sau đó một nhóm học sinh đến gặp học sinh tung tin để đánh bạn. Đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ của việc học sinh sử dụng mạng xã hội với mục đích tiêu cực và gây hậu quả nghiêm trọng.
Môi trường giáo dục là môi trường giúp học sinh hình thành nhân cách nên luôn cần những ứng xử chuẩn mực, kể cả ứng xử trên môi trường mạng. 
Quy định tại điều 4 của Thông tư 06 chính là mang tính định hướng như vậy khi nêu rõ: “Không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục”.
Quy định này nhằm hướng cán bộ, giáo viên, học sinh đến việc sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, trách nhiệm và hiệu quả, chứ không có nghĩa là cấm giáo viên, học sinh góp ý, phản biện, nếu góp ý đó có cở sở và mang tính chất xây dựng...
Tôi muốn nói thêm, quy định tại Thông tư 06 là quy định khung, từ quy định mang tính chất khung này, các cơ sở giáo dục sẽ cụ thể hóa trong các bộ quy tắc ứng xử riêng, phù hợp với yêu cầu và thực tiễn tại cơ sở. Tôi tin rằng, khi cụ thể hóa, các định hướng về việc sử dụng mạng xã hội tại từng cơ sở sẽ được thực hiện phù hợp và hiệu quả. 
Ngày 28.5 tới, Thông tư 06 chính thức có hiệu lực. Bộ GD-ĐT sẽ có những động thái gì để bộ quy tắc này không chỉ "nằm trên giấy" mà sẽ thực sự đi vào thực tiễn, giúp nhà giáo và học sinh ứng xử văn minh hơn, môi trường học đường lành mạnh, an toàn hơn?
Bộ GD-ĐT đề nghị các Sở GD-ĐT quán triệt tới các cơ quan quản lý giáo dục, lãnh đạo các trường học, giáo viên, học sinh nghiên cứu kỹ về mục đích, ý nghĩa, các quy định chung, quy định cụ thể tại Thông tư 06 để xây dựng và thực hiện có hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử trong nhà trường.
Việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội dung bộ quy tắc ứng xử phải được thảo luận dân chủ, khách quan, công khai và được sự đồng thuận của đa số các thành viên trong cơ sở giáo dục.
Ngoài ra, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc quán triệt, triển khai tại các địa phương, cơ sở giáo dục để cùng tháo gỡ khó khăn vướng mắc, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ và lắng nghe ý kiến từ cơ sở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.