'Không lên mạng làm ảnh hưởng xấu môi trường giáo dục': Cần quy định cụ thể hơn

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
03/05/2019 14:43 GMT+7

Sau bài viết Bộ GD- ĐT: Giáo viên, học sinh không được lên mạng làm ảnh hưởng xấu môi trường giáo dục! , đăng trên Báo Thanh Niên , nhiều ý kiến gửi về báo cho rằng Bộ GD-ĐT cần quy định cụ thể, dễ hiểu hơn mới có thể vận dụng được trong thực tế.

Từ ngày 28.5, Thông tư "Quy đinh quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên" của Bộ GD-ĐT sẽ có hiệu lực. Như Báo Thanh Niên đã đưa tin, điều 4 quy định các quy tắc ứng xử chung có nội dung “Không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách của pháp luật của nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục” đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều. 
 Tuy nhiên, đa số các ý kiến gửi về Báo Thanh Niên sau bài viết trên đều cho rằng cần có sự điều chỉnh quy định này cụ thể và dễ hiểu hơn . 

Còn quá chung chung


Theo Thông tư 06, mục đích của việc ra đời Thông tư là: Điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong cơ sở giáo dục theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục; ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong cơ sở giáo dục; Xây dựng văn hóa học đường; đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.

Theo ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, người từng có thời gian dài làm quản lý ngành giáo dục, cho rằng việc ra đời quy tắc ứng xử với mục đích như trên là cần thiết. Thời điểm hiện nay, trong nhà trường có rất nhiều chuyện không hay xảy ra. Giáo viên, học sinh cũng có nhiều lời nói thiếu lễ độ, thiếu thân thiện, không phù hợp với môi trường giáo dục.
"Tuy nhiên, việc đưa ra quy tắc ứng xử như 'giáo viên, học sinh không được lên mạng xã hội tuyên truyền, phát tán, bình luận thông tin và hình ảnh làm ảnh hưởng xấu môi trường giáo dục' là quá chung chung. Khái niệm 'làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục' rất mơ hồ. Hướng cách ứng xử của giáo viên, học sinh trên mạng văn minh hơn là tốt, nhưng cần phải cụ thể. Với học sinh, càng cần phải cụ thể để dễ hiểu, dễ nhớ. Chẳng hạn, nên nói rõ 'không lên mạng tuyên truyền, phát tán, bình luận thông tin hoặc hình ảnh xuyên tạc sai sự thật, hạ nhục người khác'", ông Ngai góp ý. 
Giáo viên, học sinh cần được tự do bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội Đào Ngọc Thạch
Đứng ở góc độ pháp luật, luật sư Minh Thuận (Đoàn luật sư TP.HCM), nhận định: "Quy định này có 4 vấn đề cần phải xem lại. Một là quyền tự do ngôn luận của người dân đã được quy định trong Hiến pháp. Hai là nếu vi phạm trên mạng xã hội thì hiện nay đã có Luật An ninh mạng quy định, không cần thiết phải có điều này. Thứ ba, mạng xã hội là trí tuệ của nhân loại, nếu không cho giáo viên, học sinh bày tỏ quan điểm là đi ngược lại sự tiến bộ. Cuối cùng, thời gian vừa qua ngành giáo dục có nhiều điều không tốt xảy ra. Rất nhiều chuyện tiêu cực trong đó phải nhờ đến giáo viên, học sinh phản ánh lên mạng xã hội, cơ quan quản lý mới biết đến để xử lý, loại bỏ đi tiêu cực. Vì vậy, việc có quy định này là không cần thiết, dù đó chỉ là quy tắc ứng xử đưa ra để áp dụng trong nhà trường".
Cũng theo luật sư Minh Thuận, quy tắc ứng xử này sẽ không đến mức xử phạt ngay khi vi phạm. Tuy nhiên, nó sẽ là tiền đề để cấp quản lý dựa theo đó ban hành quy chế xử phạt. Cấp quản lý sẽ xác định hành vi trước, sau đó sẽ có văn bản chế tài. Cần bác bỏ ngay từ đầu quy định kiểu như vậy.
"Thay vì cấm đoán, bản thân ngành giáo dục nên có định hướng môi trường tốt, nhân rộng gương điển hình, tạo sân chơi tích cực, từ đó thu hút học sinh quan tâm, tạo ra môi trường lành mạnh. Khi môi trường giáo dục đang chật chội, nóng bức mà giáo viên, học sinh không có nơi để phản ánh, lên tiếng thì sẽ gây ra sự bức bối, khó chịu cho họ, càng làm xấu đi cái nhìn về môi trường giáo dục. Giống như ngành điện, nếu giá thấp thì người dân không than vãn. Nhưng giá cao mà còn cấm than vãn, giãi bày tâm tư bức xúc thì càng gây ra bức bối trong xã hội", luật sư Minh Thuận bày tỏ. 

Cái xấu cần được phơi bày!

Theo anh Nguyễn Thủy Nguyên, nhân viên một trường ĐH tại TP.HCM, nếu ban hành Thông tư này, Bộ GD-ĐT cần định nghĩa và cho ra bộ quy tắc về “làm ảnh hưởng xấu” là gì? Nếu nói những vụ tiêu cực sửa điểm thi vừa qua là một vấn nạn của ngành và bộ trưởng phải có trách nhiệm thì đó có phải là hành vi “làm ảnh hưởng xấu” không? Thêm nữa, Thông tư không phải là Luật. Đã có luật dân sự, luật An ninh mạng rồi thì thiết nghĩ có thêm Thông tư để làm gì? Cái gì pháp luật không cấm thì giáo viên, học sinh được làm. Cái xấu, cần được phơi bày và lên án. Đó mới là một xã hội văn minh!.

Gửi ý kiến về Báo Thanh Niên, anh Nguyễn Cảnh Thụy (Hải Dương bày tỏ: "Mạng xã hội cũng như cuộc sống ngoài đời, có hay có dở, có tốt có xấu. Giáo viên, sinh viên, học sinh cũng là công dân đều bình đẳng trước pháp luật như mọi công dân khác. Vậy thì giáo dục học sinh có nên tách khỏi môi trường văn hóa, xã hội mà học sinh đang sống? Ngành giáo dục cũng như mỗi ngành khác có nên dựa vào đặc thù mà dựng nên "hàng rào cát cứ" trong thực thi pháp luật? Đó là chưa nói đến một nền giáo dục trong thời kỳ đổi mới cần đề cao tư duy độc lập, tính phản biện và đề cao trải nghiệm thực tiễn của mỗi học sinh. Ngành giáo dục nên mở chuyên đề, tổ chức các hoạt động tư vấn, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh trong môi trường mạng, thế giới ảo thay vì đưa ra những quy định cấm đoán học sinh. Cấm đoán là thể hiện sự bất lực trong quản lý hoạt động giáo dục học sinh và cách tiếp cận không có gì mới trong tư duy quản lý.

Anh Lò Chung Thủy (ở An Giang) cũng cho rằng quy định này không rõ. Thế nào là làm xấu môi trường giáo dục? Cái gì cũng có 2 mặt xấu tốt, quan trọng là sử dụng như thế nào. Thay vì cấm thì nên dạy học sinh văn hóa ứng xử trên mạng xã hội biết cách phân biệt đúng sai, nhận biết nguồn tin đúng. Đây là điều rất thiếu trong giáo dục!

Những điểm đáng chú ý trong Quy tắc ứng xử trong trường học của Bộ GD-ĐT
- Không sử dụng mạng xã hội để phán tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin và hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.
- Không gian lận, dối trá, vu khống, gây hiềm khích, quấy rồi, ép buộc, đe dọa, bạo lực với người khác.
- Ứng xử của giáo viên với đồng nghiệp, nhân viên: Ngôn ngữ đúng mực, trung thực, thân thiện, cầu thị, chia sẻ, hỗ trợ, tôn trọng sự khác biệt, bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm của đồng nghiệp. Không xúc phạm, vô cảm, gấy mất đoàn kết.
- Ứng xử của giáo viên với người học: Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực bao dung, trách nhiệm, yêu thương. Tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học… Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi, trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che dấu các hành vi vi phạm của người học.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.