Tuy còn những nội dung gây tranh cãi nhưng nhiều ý kiến cho rằng đây sẽ là cơ sở pháp lý giúp các quan hệ trong môi trường giáo dục chuẩn mực hơn.
Nhất là khi trong thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những câu chuyện không hay trong mối quan hệ thầy trò.
Có cơ sở pháp lý để thực hiện
Ông Trần Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Anh (Q.6, TP.HCM), cho biết thực tế trong các trường học đều có nội quy, quy định được xây dựng trên cơ sở các hoạt động của nhà trường.
Tuy nhiên, trong việc giải quyết và điều tiết các mối quan hệ, các hành vi ứng xử đòi hỏi những người đứng đầu nhà trường có sự dung hòa, đôi khi phải có “chiêu” mới có thể giải tỏa bức xúc của phụ huynh, học sinh (HS).
tin liên quan
'Không lên mạng làm ảnh hưởng xấu môi trường giáo dục': Cần quy định cụ thể hơnTương tự, ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), cho hay hiện các trường đã có nội quy dành cho HS, GV, công nhân viên… với những nội dung về những việc được và không được làm.
Giờ đây, khi đã có bộ quy tắc ứng xử của Bộ GD-ĐT, ông Phạm Phương Bình cho rằng nhà trường sẽ tiến hành rà soát lại các quy định của trường, bổ sung nhằm chuẩn hóa các quy định. Nội quy sắp tới sẽ có tính pháp quy, đảm bảo mọi người phải thực hiện cho đúng.
Người đứng đầu các trường học cũng nhấn mạnh, trước đây nội quy của các trường xây dựng thuộc quyền của hiệu trưởng nên mỗi trường mỗi khác nhau. Có những nội dung trường này cấm nhưng trường khác lại được thực hiện. Vì vậy, bộ quy tắc ứng xử này sẽ là cơ sở tham chiếu sử dụng chung trong toàn ngành.
Quy định còn chung chung, khó khi triển khai thực hiện
Tuy nhiên, hiệu trưởng các trường cũng nhận xét, bộ quy tắc còn quy định chung chung và có những vấn đề phát sinh thực tế không có trong nội dung.
Chẳng hạn, điều 4 quy định các quy tắc ứng xử chung có nội dung “Không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục”, nhiều GV và HS lo ngại không được tự do sử dụng mạng xã hội với những khái niệm quá chung chung như trên. Chẳng hạn như thế nào là “làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục”?
Lê Thanh Thoa, HS tại một trường THPT ở Q.3, TP.HCM, bày tỏ ý kiến: “Trong quy định về sử dụng mạng xã hội, em thấy có những băn khoăn, chẳng hạn thế nào là phát tán những thông tin làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục. Thực tế cho thấy, có những sự việc nhờ thông tin trên mạng xã hội mà giải quyết được vấn đề và tìm ra bản chất của sự việc. Vậy thì thế nào là xấu và ai là người sẽ quyết định vấn đề xấu hay tốt? Hay cứ trái quan điểm với nhà trường, GV là xấu?”.
Trong khi đó, một GV dạy ngữ văn tại một trường THCS ở Q.Tân Phú, TP.HCM thì cho rằng những quy định về việc sử dụng mạng xã hội là hoàn toàn chính xác bởi GV này đã từng chứng kiến có một GV dùng trang cá nhân của mình để chê bai, bêu rếu đồng nghiệp khi gặp mâu thuẫn. Việc làm này là hoàn toàn không nên vì bản thân GV còn là tấm gương để học trò noi theo. Tuy nhiên, về phía HS, theo GV này, hiện tại định hướng giáo dục là phát triển năng lực bản thân, khuyến khích HS thể hiện quan điểm nên ở nội dung liên quan đến mạng xã hội cần quy định cụ thể hơn để HS hiểu điều gì nói là không tốt và điều gì nên, cần thiết phải thể hiện.
Những điểm đáng chú ý trong Quy tắc ứng xử trong trường học
- Không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin và hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.
- Không gian lận, dối trá, vu khống, gây hiềm khích, quấy rối, ép buộc, đe dọa, bạo lực với người khác.
- Ứng xử của GV với đồng nghiệp, nhân viên: Ngôn ngữ đúng mực, trung thực, thân thiện, cầu thị, chia sẻ, hỗ trợ, tôn trọng sự khác biệt, bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm của đồng nghiệp. Không xúc phạm, vô cảm, gây mất đoàn kết.
- Ứng xử của GV với người học: Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực bao dung, trách nhiệm, yêu thương. Tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học… Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi, trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.
|
Bình luận (0)