Rèn phân tích sự kiện lịch sử khi ôn thi THPT quốc gia

17/02/2017 10:04 GMT+7

Theo tiến sĩ Trần Ngọc Khánh, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, do yêu cầu kiến thức toàn diện, đề thi môn lịch sử của kỳ thi THPT quốc gia đòi hỏi học sinh phải rèn kỹ năng tư duy, sáng tạo.

Để học môn sử có hiệu quả, học sinh nên nhận thức rằng môn sử giúp chúng ta hiểu hơn về truyền thống dân tộc Việt Nam. Một sự kiện lịch sử luôn diễn ra trong một không gian nhất định và một thời gian cụ thể. Giữa lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam luôn có mối tương quan mật thiết, đó là quá trình phát triển không tách rời của lịch sử dân tộc và nhân loại. Vận dụng vào cuộc sống hiện tại để làm giàu thêm truyền thống dân tộc, từ đó chúng ta thêm yêu quê hương đất nước.
Về nội dung kiến thức học, ôn tập chủ yếu chương trình SGK lịch sử lớp 12 gồm hai phần: Lịch sử Thế giới: 1945-2000 và Lịch sử Việt Nam: 1919-2000.
Đề thi có 40 câu với cách ra đề chú trọng hướng mở, dùng kiến thức liên môn xử lý, không yêu cầu thí sinh máy móc nhớ số liệu, học thuộc lòng mà phải xử lý, phân tích được số liệu. Đề thi đảm bảo hai phần: Phần cơ bản đảm bảo xét tốt nghiệp và phần phân hóa để tuyển sinh ĐH, CĐ. Mức độ câu hỏi trong đề thi: Nhận biết - trong câu hỏi thường bằng các từ: Nêu, trình bày, tóm tắt…; Thông hiểu - trong câu hỏi thường bằng các từ: Giải thích, lý giải, chứng minh, phân tích, so sánh…; Vận dụng và vận dụng nâng cao - trong câu hỏi thường bằng các từ: Đánh giá, nhận xét, liên hệ, phát biểu ý kiến…
Để đạt kết quả thi tốt nhất, khi ôn tập học sinh cần phải nắm được các nội dung trọng tâm trong chương trình môn sử, hiểu và nắm vững kiến thức cơ bản, ghi nhớ và hiểu những sự kiện cốt yếu, gắn với thời gian, địa danh, nhân vật lịch sử…
Khi học môn sử, các em cần lưu ý hệ thống hóa kiến thức cơ bản bằng đối tượng, phân kỳ lịch sử, khai thác và xử lý các thông tin sự kiện và chốt kiến thức trọng tâm bằng hệ thống câu hỏi, bài tập và đề cương tóm tắt; rèn kỹ năng tư duy, sáng tạo... 
Đề trắc nghiệm môn lịch sử, thường có 40 câu hỏi, yếu tố quan trọng số một là thí sinh phải đọc kỹ để hiểu đề một cách chính xác. Vì hiểu đề thi là đã giúp nhận ra vấn đề trọng tâm mấu chốt cần trả lời: Tức là xem câu hỏi đề cập đến vấn đề gì và vấn đề đó có liên quan đến bài nào, phần nào của nội dung chương trình.
Kế đến, để trả lời câu hỏi ấy, cần xác định cụm từ “chìa khóa” những ý lớn nào và thứ tự của chúng ra sao. Nếu chưa nhận ra vấn đề trọng tâm mấu chốt cần trả lời thì sẽ dễ dẫn đến trả lời sai.
Đối với những câu hỏi khó, vận dụng nâng cao (không xác định được vấn đề trọng tâm mấu chốt), số thí sinh bị điểm 0 câu hỏi dạng này thường không ít. Vì vậy học sinh cần hiểu rõ những điểm then chốt, hiểu sâu tất cả những khái niệm, nội dung được sử dụng trong sách giáo khoa; phải ngầm biết rằng một sự kiện, vấn đề lịch sử có thể được hỏi bằng nhiều cách khác nhau.
Ví dụ, thay vì hỏi “ý nghĩa của cao trào cách mạng 1930 - 1931”, đề thi có thể hỏi “tại sao nói cao trào cách mạng 1930-1931 là cuộc diễn tập đầu tiên chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám - 1945?”. Nếu chưa rõ những ý lớn nào và thứ tự của chúng một cách đầy đủ thì kết quả sẽ không cao vì làm không đủ những ý chính. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho thí sinh bị điểm thấp.
Ngoài sự chuẩn bị về kiến thức, về phương pháp, muốn có kết quả cao trong kỳ thi học sinh cần chú ý đúng mức đến việc chuẩn bị về sức khỏe và tâm lý để đảm bảo trạng thái thi THPT tốt. Nên có kế hoạch ôn luyện điều độ, khoa học, giải quyết hợp lý các nhu cầu học tập, nghỉ ngơi, giải trí để đảm bảo sức khỏe, tránh sự căng thẳng đầu óc. Hết sức tránh kiểu “học tủ”, “học vẹt” và khi vào phòng thi tuyệt đối không mang theo tài liệu để quay cóp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.