Sinh viên lâm nghiệp diện 'đặt hàng' được miễn học phí, không lo đầu ra

Quý Hiên
Quý Hiên
11/03/2021 21:07 GMT+7

Trường ĐH Lâm nghiệp đã xây dựng giá dịch vụ đào tạo ngành lâm sinh để Bộ NN-PTNN có căn cứ giao nhiệm vụ đào tạo đại học ngành này. Sinh viên theo học sẽ không phải đóng học phí , ra trường được bố trí việc làm.

Hôm nay, 11.3, tại Trường ĐH Lâm nghiệp (Xuân Mai, Hà  Nội), ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNN, đã phát động trồng cây với toàn ngành nông nghiệp, hưởng ứng chương trình của Chính phủ “Trồng 1 tỉ cây xanh vì một Việt Nam xanh” giai đoạn 2021 - 2025.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, dự thảo chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050, đặt mục tiêu đến năm 2025, lĩnh vực lâm nghiệp có 40% lao động được qua đào tạo (năm 2030 là 45%). Đây là một cơ hội đối với các trường lâm nghiệp. Nhưng thách thức đối với riêng Trường ĐH Lâm nghiệp là có nhiệm vụ đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành, trong khi các ngành lĩnh vực lâm nghiệp còn chưa hấp dẫn người học.
Để tạo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo cho trường, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành, nhà nước và các địa phương sẽ đặt hàng đào tạo chuyên ngành này.

Sinh viên diện được "đặt hàng" sẽ không phải đóng học phí, không phải lo đầu ra

Theo PGS Phạm Minh Toại, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lâm nghiệp, trường đã được Bộ NN-PTNN giao nhiệm vụ xây dựng định mức, giá dịch vụ đào tạo và đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực một số ngành trọng điểm thuộc lĩnh vực lâm nghiệp. Trước mắt là xác định giá dịch vụ đào tạo ngành lâm sinh, tiến tới sẽ mở rộng ra những ngành truyền thống khác trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Sau khi xác định xong giá, Bộ NN-PTNN sẽ đặt hàng các trường phía Bắc đào tạo khoảng 400 - 500 chỉ tiêu thông qua phương thức đấu thầu. Là một đơn vị đào tạo hàng đầu của cả nước trong lĩnh vực lâm nghiệp, Trường ĐH Lâm nghiệp hy vọng trường sẽ được giao đào tạo phần lớn chỉ tiêu.
PGS Toại cho biết: “Sinh viên học theo diện được đặt hàng sẽ không phải đóng học phí, do nhà nước hỗ trợ toàn bộ chi phí đào tạo. Đồng thời, nhà nước cũng cam kết đầu ra cho người học. Nếu theo học tại Trường ĐH Lâm nghiệp, các em còn được hưởng lợi ích khác là tham tham gia các chương trình nghiên cứu khoa học của trường. Hiện nay, đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực lâm nghiệp rất lớn”.
Cũng theo PGS Toại, thu nhập của các kỹ sư lâm nghiệp mới ra trường có thể không cao so với một số ngành kinh tế khác. Tuy nhiên, theo thời gian, người lao động sẽ có các thu nhập phát sinh từ các dịch vụ khác chứ không chỉ từ hoạt động trồng - chăm sóc cây.
“Hiện nay, trong chuỗi giá trị lâm sản, có một nguồn quan trọng là chi trả dịch vụ môi trường rừng. Người chủ rừng và cán bộ làm nghề rừng được hưởng lợi nhất định từ dịch vụ này”, PGS Toại nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.