Gần 70% nhu cầu đào tạo giáo viên
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm nay là 483.562, trong đó xét tuyển theo phương thức thi THPT là 341.594 (70,6%), theo phương thức khác là 141.968. Tổng chỉ tiêu tăng hơn so với năm 2018 khoảng 33.510 chủ yếu do hàng trăm trường đã đạt kiểm định, không còn bị khống chế việc tăng chỉ tiêu như thời gian trước chưa kiểm định.
Đánh giá về việc tăng chỉ tiêu đào tạo này, ông Trần Anh Tuấn, nguyên Phó giám đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho rằng: “Số lượng người học ĐH tăng lên sẽ tiếp tục làm mất cân đối thị trường lao động, không giải quyết được bài toán mất cân đối nguồn nhân lực giữa các bậc học đang diễn ra hiện nay”.
Về chỉ tiêu sư phạm, Bộ GD-ĐT đã tổng hợp nhu cầu đào tạo giáo viên do các địa phương đề nghị, phân bổ chỉ tiêu đến từng ngành theo từng trình độ đào tạo của các trường. Theo nhu cầu, các địa phương có 63.364 chỉ tiêu cần đào tạo (mầm non 23.333, tiểu học 21.220, THCS 14.580 , THPT 3.553 ). Việc xác định chỉ tiêu năm 2019 theo nguyên tắc căn cứ vào nhu cầu của các tỉnh, vùng miền và năng lực đào tạo của các trường. Tổng chỉ tiêu năm 2019 đã xác định giao cho các cơ sở đào tạo giáo viên là 44.076/63.364, đạt 69,56% nhu cầu của các địa phương theo các ngành đào tạo.
Bộ GD-ĐT rà soát đề án tuyển sinh của các trường
tin liên quan
Việc làm sinh viên là thách thức mà các trường đại học phải đối mặtĐây là các thông tin quan trọng để thí sinh có thể đăng ký xét tuyển và các điểm tiếp nhận nhập thông tin đăng ký của thí sinh lên hệ thống. Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD-ĐT, các đề án tuyển sinh năm nay hầu như không xuất hiện các “tổ hợp lạ” mà không liên quan đến yêu cầu của ngành đào tạo.
Để tạo thuận lợi cho thí sinh, ngoài việc cung cấp đầy đủ các quy định theo quy chế tuyển sinh và các văn bản hướng dẫn, thông tin tuyển sinh của các trường để thí sinh tham khảo và điền thông tin chính xác, Ban Chỉ đạo thi của Bộ GD-ĐT đã thành lập tổ công tác trực thi, công khai các số điện thoại, email trực thi - tuyển sinh để trực tiếp xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển, Bộ GD-ĐT yêu cầu Cục Công nghệ thông tin đảm bảo phần mềm tuyển sinh phải đáp ứng được tối đa các điều kiện, không có sự cố, tốc độ đường truyền nhanh, trực thường xuyên để xử lý tình huống phát sinh và hỗ trợ kỹ thuật.
Xây dựng lại cơ sở dữ liệu về khu vực ưu tiên
Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, để mùa tuyển sinh năm nay diễn ra đúng quy chế, đảm bảo khách quan, công khai, nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo, Bộ đã bổ sung điều chỉnh hoàn thiện phần mềm tuyển sinh năm 2019. Chẳng hạn bổ sung chức năng khai báo nhóm ngành sức khỏe có chứng chỉ hành nghề, nhóm ngành sư phạm (sử dụng kết hợp điểm thi và điểm học bạ xét tuyển) để kiểm soát ngưỡng đảm bảo chất lượng đối với các ngành sức khỏe, sư phạm; điểm chứng chỉ ngoại ngữ...
Bộ GD-ĐT cũng đã xây dựng lại cơ cở dữ liệu về khu vực ưu tiên như rà soát và bổ sung thông tin của 29 quyết định liên quan được sử dụng làm căn cứ để xác định khu vực ưu tiên trong tuyển sinh năm 2019; danh mục tỉnh, huyện, xã khó khăn, đặc biệt khó khăn; danh mục trường THPT và các thông tin liên quan đưa lên cổng thông tin tuyển sinh để thí sinh và các cơ sở giáo dục đào tạo làm căn cứ xác định khu vực ưu tiên trong tuyển sinh và phục vụ công tác hậu kiểm trong tuyển sinh.
Ý kiến
Tăng chỉ tiêu phải đi liền đảm bảo chất lượng
Nếu các trường ĐH tăng chỉ tiêu dựa trên điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế thì việc tăng này thể hiện sự phát triển của các trường. Các điều kiện thực tế đó phải gồm đội ngũ người thầy đủ về số lượng và có năng lực, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy học tốt và đáp ứng cả về năng lực quản lý khi người học tăng nhanh. Tuy nhiên tăng chỉ tiêu phải đi liền với đảm bảo chất lượng, có lộ trình, có căn cứ và có kiểm soát để đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ yêu cầu thị trường lao động.
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa
(nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) Phá vỡ chính sách phân luồng
Tôi không quá ngạc nhiên về việc tăng chỉ tiêu ĐH vì con số này tăng lên mỗi năm và đến một lúc nào đó, khi các trường hoàn toàn tự chủ thì chỉ tiêu không còn giá trị.
Khi quy mô đào tạo mở rộng quá lớn sẽ dẫn đến việc các trường không tập trung nguồn lực để đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ hội nhập. Muốn tăng chất lượng thật sự, các trường phải đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ chứ không phải chỉ đơn thuần tăng chỉ tiêu. Hệ lụy rất lớn là sẽ không tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng.
Ngoài ra, khi chỉ tiêu ĐH tiếp tục “phình” ra, với tâm lý của đa số phụ huynh, học sinh chỉ muốn theo học ĐH thì sẽ tiếp tục làm cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp khó tuyển sinh. Điều này tất yếu dẫn đến việc phá vỡ chính sách phân luồng.
Trần Anh Tuấn
(nguyên Phó giám đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) Nhiều cách để “lách” chỉ tiêu
Tăng chỉ tiêu cần đảm bảo các điều kiện tối thiểu để trường ĐH không phải là nơi “sản xuất” ra các cử nhân, kỹ sư kém chất lượng. Dù cho phép các trường đạt chuẩn kiểm định tự chủ tăng chỉ tiêu nhưng Bộ GD-ĐT vẫn nên là người “gác cổng” chứ không nên “thả cửa” cho các trường.
Việc tăng chỉ tiêu có rất nhiều lo ngại vì thực tế ở một số trường chỉ tiêu được duyệt với người học tuyển thực tế đôi khi không đồng nhất. Có những trường được duyệt 5.000 chỉ tiêu nhưng thực tế tuyển 8.000 thí sinh và sau 3 - 4 năm học số sinh viên tốt nghiệp còn đúng 5.000 chỉ tiêu được cấp để nhận phôi bằng. Việc “lách” chỉ tiêu này nhằm mục đích thu học phí và đẩy người học tới sự lãng phí về thời gian, tiền bạc. Thực trạng sẽ dẫn đến nguy cơ những lao động thiếu chuẩn trong bối cảnh hội nhập quốc tế có yêu cầu rất cao về người lao động.
(Cán bộ khảo thí một trường ĐH tại TP.HCM)
Hà Ánh (ghi)
|
Bình luận (0)