Thi '2 trong 1' có còn phù hợp?

30/06/2018 08:14 GMT+7

Nhiều ý kiến tranh luận xung quanh đề thi kỳ thi THPT quốc gia vừa qua đã khiến nhiều người đặt vấn đề về sự tồn tại mục tiêu '2 trong 1'của kỳ thi này trong bối cảnh hiện nay.

Nhiều trường ĐH tuyển sinh riêng
[VIDEO] Đã có 2 cháu ngoại vẫn quyết chí thi THPT Quốc gia
Kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” bắt đầu được tổ chức từ năm 2015, với mục tiêu lấy kết quả xét tốt nghiệp đồng thời xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều trường sử dụng phương thức tuyển sinh khác, nên kỳ thi này cuối cùng chỉ nhằm mục tiêu xét tốt nghiệp là chính.
Theo tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, từ khi ra đời năm 2006, lãnh đạo trường đã xác định một quan điểm: phải làm chủ việc tuyển sinh và tuyển sinh là việc của trường. Vì vậy, trường xác định một điều kiện cần là thí sinh (TS) đủ ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn) của Bộ GD-ĐT, sau đó sẽ thi sơ tuyển, kiểm tra các tố chất logic, cảm xúc, toán, kiểm tra khả năng tư duy chứ không phải nắm bắt kiến thức phổ thông thế nào.
Từ năm 2016, Trường ĐH Luật TP.HCM bắt đầu thực hiện đề án tuyển sinh riêng theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 sơ tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia và điểm học bạ 3 năm THPT, giai đoạn 2 đánh giá dựa trên kết quả kỳ kiểm tra năng lực do trường tự tổ chức để đánh giá mức độ phù hợp của TS với ngành học.

PGS-TS Mai Hồng Quỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết quyết định này đưa ra khi lãnh đạo trường nhận thấy rằng TS từ kỳ thi THPT quốc gia chưa đủ để chọn lựa sinh viên phù hợp với ngành luật. Ngành này đòi hỏi tố chất phù hợp, yêu thích sự công bằng, lòng mong mỏi theo đuổi nghề nghiệp… Vì vậy, lãnh đạo trường đã quyết định phải có kỳ thi năng lực riêng cho trường.
Năm 2017, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM bắt đầu tổ chức kỳ kiểm tra năng lực và dành 35% chỉ tiêu các ngành cho phương thức tuyển sinh này. TS dự thi 1 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn theo hình thức trắc nghiệm. Người dự thi chỉ cần tốt nghiệp THPT và đủ điểm chuẩn kỳ kiểm tra này là được trúng tuyển vào trường. Năm 2018, trường này dành tới 65% chỉ tiêu cho cách tuyển sinh riêng này và đã tuyển sinh đủ ngay trước khi kỳ thi THPT diễn ra.
[VIDEO] Những giấc trưa không trọn vẹn ở trường thi
Sau nhiều năm chuẩn bị, năm nay ĐH Quốc gia TP.HCM cũng chính thức tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển TS cho các trường thành viên. Kết quả kỳ thi này, trong năm nay đã được Trường ĐH Thủ Dầu Một sử dụng để tuyển thí sinh.
Năm 2017, ngay từ khi bắt đầu tuyển sinh, Trường ĐH Fulbright VN (FUV) đã xác định không dựa vào học bạ hay điểm tốt nghiệp THPT. Trường chú trọng vào việc tìm kiếm những học sinh có các phẩm chất cá nhân như tinh thần khát khao học hỏi, ưa thử thách, bản lĩnh, kiên trì, chăm chỉ và hướng tới cộng đồng. Các ứng viên nộp hồ sơ xét tuyển trực tuyến, bao gồm các bài luận, một tác phẩm do bản thân sáng tác và một video thuyết trình về một chủ đề mở. Từ đây, FUV tuyển chọn những học sinh có hồ sơ nổi bật để tham gia vòng phỏng vấn nhóm dưới sự quan sát trực tiếp của các giảng viên.
Không chỉ tổ chức kỳ thi riêng, nhiều trường ĐH còn sử dụng phương thức xét tuyển trực tiếp từ kết quả học bạ THPT mà không cần phải đợi kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Đáng nói, phương thức này không chỉ sử dụng với trường ngoài công lập mà còn với cả nhiều trường công lập lớn bằng hình thức xét tuyển học sinh giỏi các trường THPT.
[VIDEO] CSGT tặng áo mưa cho thí sinh thi THPT Quốc gia
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: “Một kỳ thi phục vụ đồng thời 2 mục đích vừa căn bản vừa phân hóa sẽ rất khó. Vì vậy, các trường ĐH sử dụng kết quả này để xét tuyển thí sinh cũng chỉ là giải pháp ở giai đoạn trước mắt. Còn về lâu dài, các trường cần phải tính tới việc tổ chức thêm kỳ thi riêng để có kết quả xét tuyển TS phù hợp hơn.
Ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung cấp chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho rằng kỳ thi này có những ưu điểm rõ ràng như: giảm chi phí xã hội, phối hợp giữa địa phương và trường ĐH tổ chức nên nghiêm túc hơn… Nhưng ghép 2 mục tiêu trong 1 bài thi với khoảng thời gian ngắn sẽ không đánh giá được toàn diện kiến thức, kỹ năng của học sinh. Trong khi việc xét TS vào ĐH lại đòi hỏi những năng lực, phẩm chất đa dạng tùy theo ngành nghề.
Từ đó, ông Vinh cho rằng nên có nghiên cứu đánh giá một cách khoa học và có đề án dài hơi hơn về vấn đề này. “Nên để cho sở GD-ĐT tự tổ chức thi tốt nghiệp dựa trên đề thi chuẩn của cơ quan dịch vụ khảo thí cung cấp. Trường ĐH có thể lấy toàn bộ hay lấy kết quả từng phần của TS để xét tuyển hoặc sử dụng thêm tiêu chí khác tùy theo đặc trưng ngành đào tạo hoặc cũng có thể mua đề thi chuẩn do cơ quan dịch vụ khảo thí cung cấp theo đặt hàng”, ông Vinh đề xuất.
“Có thể nói mục tiêu “2 trong 1” của kỳ thi này đã không đáp ứng được và cũng sẽ không bao giờ đạt được. Như năm trước đề được đánh giá dễ thì gây khó cho tuyển sinh, năm nay đề phân hóa tốt thì lại nhen nhóm tình trạng dạy thêm, học thêm. Đây chính là mâu thuẫn với định hướng giảm tải chương trình, tránh ôn luyện thi ”, cán bộ tuyển sinh một trường ĐH tại TP.HCM cho biết.
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hiệp, giảng viên Học viện Ngân hàng cũng cho biết: “Thi tốt nghiệp chỉ nên có 1 mục tiêu là đánh giá năng lực của học sinh sau khóa học. Có thể xem xét lại mô hình chuyên ban và đưa thêm nhiều môn học định hướng nghề nghiệp vào bậc THPT. Bộ GD-ĐT chỉ cần làm tốt việc quản lý chất lượng giáo dục phổ thông. Các trường ĐH sẽ tự xây dựng tiêu chí đánh giá và tự tuyển sinh cho mình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.